Hiện nay Ngân sách Nhà nước đã bao phủ đến các nhóm người khuyết tật nặng, giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 1,1 triệu người khuyết tật với kinh phí khoảng 15.000 tỷ đồng/năm; hỗ trợ 20.000 người khuyết tật tiếp cận để học nghề và việc làm; hỗ trợ 1,2 triệu học sinh khuyết tật đến trường; tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận bảo hiểm y tế lên tới 95%.
Tuy nhiên, do hạn chế về ngân sách, nguồn lực cán bộ, nhận thức hạn chế của chính các cán bộ làm công tác hỗ trợ cho người khuyết tật mà đến nay, vẫn có một bộ phận người khuyết tật bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ này.
UBQGNKTVN đánh giá cao những nỗ lực tham gia của các Bộ, ban ngành, các hội chuyên ngành, hội đoàn thể, tổ chức phi chính phủ cùng tham gia vào công tác hỗ trợ cho người khuyết tật trong thời gian qua.
Toàn cảnh Hội thảo "Tăng cường hiệu quả điều phối và Hợp tác quốc tế trong công tác người khuyết tật". |
Tuy nhiên, UBQGNKTVN nhận thấy, dẫu có những nỗ lực như vậy, nhiều chính sách, đề án hỗ trợ cho người khuyết tật như vậy nhưng vẫn có những chương trình chồng chéo, trùng lặp và chưa thực sự vươn tới một bộ phận người khuyết tật.
Trao đổi thêm tại Hội thảo, đại diện Văn phòng UBQGNKTVN mong muốn các tổ chức tích cực trao đổi, thảo luận về việc tăng cường cải cách hành chính giúp người khuyết tật tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ nhiều tổ chức; tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ phối hợp giữa các tổ chức của người khuyết tật với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đại diện Văn phòng UBQGNKTVN cho biết, Việt Nam cam kết rất đầy đủ các công ước, chiến lược, chương trình liên quan đến người khuyết tật và là một trong những quốc gia được đánh giá là có cam kết với quốc tế liên quan đến người khuyết tật đầy đủ và sớm nhất như: ký Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, ký Công ước 159 ILO, tham gia Chiến lược INCHOEN khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2012-2022, tham gia Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của người khuyết tật.
"Quốc hội và Chính phủ đều rất coi trọng về công tác đối với người khuyết tật thông qua Luật, văn bản quy phạm pháp luật và tiếp tục hiện thực hóa những văn bản này vào cuộc sống thông qua các đề án.
Chính sách như vậy song có ghi nhận tình trạng người khuyết tật chưa được tiếp cận không? Chương trình dự án ở một số tỉnh là chưa phù hợp, chồng chéo cũng có nơi không có tổ chức nào hỗ trợ ngoài ngân sách", vị đại diện nói.
Trong các đề xuất, kiến nghị, UBQGNKTVN đã đề nghị TWMTTQVN chỉ đạo Quỹ vì người nghèo các cấp hỗ trợ người khuyết tật có giấy xác nhận khuyết tật được mua thẻ BHYT.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Duy Tiến, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, hai văn bản: Chỉ thị 39/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và Quyết định 753 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tổ chức thực hiện Chỉ thị này, là 2 văn bản rất quan trọng để thúc đẩy hỗ trợ cho 6,2 triệu người khuyết tật.
Bà Dương Thị Nga - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế Liên hiệp Hội Việt Nam đã đánh giá cao hoạt động của một số tổ chức có dự án liên quan đến người khuyết tật. "Những con chim đầu đàn" được nêu tên như DRD, MACDI, CCIHP, SRD, IDEA, PHAD, Nghị lực sống, REACH, CRDR, Viethealh.
Bà Nga mong muốn, với thế mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam bao gồm rất nhiều tổ chức Hội chuyên môn phổ biến trên khắp 63 tỉnh thành cùng hơn 500 tổ chức tự lực cánh sinh hoạt động trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả người khuyết tật có thể là nơi sẵn sàng chia sẻ các thông tin và điều phối hoạt động của các tổ chức, gồm cả các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật.
Liên hiệp Hội Việt Nam kiến nghị 3 vấn đề: Tăng cường tham vấn các tổ chức làm việc về người khuyết tật (ngoài cơ chế Ủy ban) trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, kế hoạch; Phát huy vai trò của Cục Bảo trợ Xã hội trong đề xuất, điều phối, giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác người khuyết tật; Cho phép thử nghiệm các phương thức xã hội hóa phù hợp, phát huy nguồn lực trong nước, huy động nguồn lực quốc tế cho công tác người khuyết tật.
PV