Đó là phát biểu của ông ông Trần Hữu Linh - tân Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT trong buổi hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp” diễn ra tại TP.HCM. Ông Trần Hữu Linh đã mổ xẻ, chỉ ra nguyên nhân và phương pháp giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan, khó kiểm soát trên thị trường hiện nay.
Rất nhiều tham luận đã được trình bày trong Hội thảo Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam – Nguy cơ, thách thức và giải pháp (ảnh: Thiên Nam) |
Đây là vấn đề nhức nhối diễn ra hàng ngày, hàng giờ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách quốc gia, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Trong hội thảo, tham luận của nhiều đại biểu đã chỉ ra lỗ hỏng trong luật quản lý thị trường. Chính lỗ hỏng này mà nhiều đối tượng vi phạm lách luật êm xuôi, khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính chịu thiệt hại nặng nề.
Đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dẫn chứng như phân bón NPK 513, đã gọi là 513 thì hàm lượng dinh dưỡng N, P, K trong phân phải đúng tỉ lệ hữu hiệu để cây trồng có thể hấp thu được. Tuy nhiên, các đối tượng vi phạm đăng ký nhập phân NPK 513 nhưng chỉ là đăng ký tên gọi còn hàm lượng N, P, K trong phân chỉ dưới 1% nhưng vẫn đảm bảo thông quan.
Một thị trường khác được cho là khó vi phạm nhất nhưng vẫn xuất hiện tình trạng lách luật trong thời gian qua là thị trường pin ắc quy. Ông Đào Minh Tiến, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty CP Pin ắc quy Miền Nam chia sẻ. Chẳng hạn bình ắc quy 12V-150Ah nhưng thực tế các loại hàng nhập về chỉ có 12V-135Ah vẫn đảm bảo con số trong đăng ký. Một chiêu thức khác là làm giảm hoạt tính trong ắc quy khiến cho chất lượng, tuổi thọ của bình giảm thấp mà người tiêu dùng không thể phát hiện được.
Các doanh nghiệp trong nước phải làm là luôn có chế độ hậu mãi, bảo hành ở nhiều tỉnh thành trong khi các hàng nhập mua ở đâu phải tới nơi đó mới được bảo hành; các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ thu hồi sản phẩm pin, ắc quy khi quá hạn sử dụng nhưng các sản phẩm nhập lại không làm điều này. Đây là sự không công bằng cho các doanh nghiệp.
Ông Trần Hữu Linh đang phát biểu trong hội thảo (ảnh Thiên Nam) |
Trước thực trạng được nhiều đại biểu nêu ra, tân Tổng Cục trưởng thừa nhận có những tồn tại này. Ông Linh cho rằng thời đại công nghệ phát triển, mạng điện tử phát triển rầm rộ thì hàng nhái, giả, kém chất lượng cũng dễ tiếp xúc với thị trường hơn để tiêu thụ.
Ông Linh chỉ rõ, các chế tài xử phạt hiện chưa đủ tính răng đe, hơn nữa ý thức người dân chưa cao, còn chuộng hàng rẻ. Tiêu biểu như ở các vùng quê, người dân có thói quen mua nợ, khi đã mua nợ thì đại lý bán loại nào phải mua loại đó đây là lỗ hỏng để hàng nhái, hàng giả có cơ hội tiêu thụ.
“Một thực tế đã và đang hiện hữu đó là nhiều đối tượng vi phạm đem máy móc tới làm giả phân bón, đóng bao ngay tại địa phương. Sau khi lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra ra được sai phạm thì không còn tìm ra các đối tượng này”, tân Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT nói.
Bên cạnh những tồn tại đó, nhiều đại biểu còn chỉ ra có những trường hợp vi phạm đã được cơ quan chức năng xử lý rồi nhưng vẫn tiếp tục tái diễn. Ghi nhận tồn tại này, Phó GS-TS Đàm Thanh Thế, Ủy viên ban chỉ đạo - Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các các đơn vị có thẩm quyền khi xử lý vi phạm xong phải tiếp tục hậu kiểm, tiếp tục kiểm tra, để có biện pháp xử lý nặng hơn, nghiêm hơn nếu tiếp tục tái diễn.
Ông Đàm Thanh Thế khẳng định: “Công tác đấu tranh chống gian lận thương mại được Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia hết sức quan tâm. Đặc biệt là đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả xâm phạm sở hữu trí tuệ đang được chỉ đạo rất quyết liệt. Các sản phẩm như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ ăn, thức uống… làm nhái, làm giả ngày càng diễn biến phức tạp”.
Thiên Nam