Phát biểu tại một sự kiện do một trung tâm chiến lược tại thủ đô Washington tổ chức, ông Pouyanne cho rằng thế giới hiện nay đang ở trong bối cảnh mà tình hình địa chính trị có sức chi phối đối với thị trường. Trong ngày 18/5, giá dầu đã tăng lên mức 80 USD/barrel lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014 do những lo ngại về khả năng xuất khẩu dầu của Iran sẽ suy giảm sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran, khiến nguồn cung dầu thô ít đi.
Cụ thể, tại London giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đứng tại mức 79,85 USD/barrel, tăng 57 cent Mỹ so với giá phiên ngày 17/5. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng lên mức 72,13 USD/barrel - cao nhất kể từ tháng 11/2014 đến nay.
Vào đầu tháng 5/2018, IEA (Cơ quan Năng lượng quốc tế) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2018 xuống 1,4 triệu thùng dầu/ngày, so với dự báo trước là 1,5 triệu thùng dầu/ngày: IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2018 sẽ vào khoảng 99,2 triệu thùng/ngày, mặc dù ngân hàng Goldman Sachs cho rằng con số trên có thể vượt mức 100 triệu thùng/ngày trong mùa Hè này.
Tại sao giá dầu thế giới có thể chạm mốc 100 USD/barrel? (Ảnh: Getty, AFP) |
Tính từ ngày 1/5/2018 đến nay, giá dầu tăng liên tục trước những đồn đoán về khả năng lượng dầu xuất khẩu của Iran sẽ sụt giảm mạnh do nước này sẽ phải chịu những lệnh trừng phạt mới từ Washington. Cuộc nội chiến Syria vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, cũng góp phần làm giảm sản lượng dầu thế giới mặc dù OPEC không giảm sản lượng dầu xuất mỗi ngày.
Trong khi đó, sau tuyên bố của ông Trump về hạt nhân Iran, tập đoàn dầu khí Total của Pháp đã cảnh báo có thể từ bỏ dự án khí đốt trị giá hàng tỉ USD tại Iran nếu Total không được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Giá dầu sẽ tăng trong tương lai là một viễn cảnh không mấy ai muốn nó xảy ra, vì đơn giản là nó sẽ tác động tiêu cực đến giá tiêu dùng những sản phẩm hàng ngày khác của từng gia đình.
Kim Thoa