Tái cơ cấu nền kinh tế: Doanh nghiệp phải đủ lớn

(CL&CS) - Theo tiêu chí đánh giá doanh nghiệp (DN) dựa trên Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong tổng số hơn 800 nghìn DN hiện nay chì có khoảng 17 nghìn DN lớn, 21 nghìn DN vừa, còn lại chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, DN được đánh giá là có vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế…

Khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế

Phát biểu tại Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với DN" do Tạp chí Diễn đàn DN tổ chức chiều 14/12,, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành quan chuyên môn như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều cuộc “hội nghị Diên Hồng” để bàn giải pháp phát triển bền vững nền kinh tế.

Quang cảnh diễn đàn

Sau giai đoạn 2016-2020, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực, song trước đại dịch COVID-19 và những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu DN.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, chúng ta đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực trong tái cơ cấu nền kinh tế từ thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy mạnh công tác quy hoạch, cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế, bước đầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế... đến việc hình thành đồng bộ và thúc đẩy phát triển các loại thị trường. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thúc đẩy; chuyển đổi số, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh đã phát huy tác dụng, tạo được niềm tin của nhà đầu tư... Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỉ trọng đầu tư của Nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội…

"Mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, song việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ở nước ta vẫn còn một số hạn chế. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu còn khá cao, nguyên liệu đồng thời phụ thuộc không nhỏ vào một số thị trường...."- ông Phòng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế; mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm…

Cơ cấu lệch…

Theo Giám đốc Ecomomica Việt Nam, TS Lê Duy Bình, hơn 3 thập niên vừa qua, từ năm 1991-2020, vai trò của DN cũng thay đổi. Năm 1991 khi chúng ta bắt đầu có Luật công ty, Luật DN tư nhân cho phép Khu vực tư nhân bắt đầu phát triển đến nay, số lượng DN phát triển rất mạnh mẽ. Trung bình giai đoạn 1991-2005 mỗi năm có 26.817 DN được thành lập; Giai đoạn 2005-2014 là 70.900 DN và ở giai đoạn 2015-2020 con số đã tăng lên 122.500 DN.

"Có thể nói DN đóng góp rất lớn vào quá trình tái cấu trúc của nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Và tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam không chỉ thể hiện ở cơ cấu GDP mà còn thể hiện ở sự khác biệt GTGT của các nền kinh tế khác nhau",-ông Bình nhận định

Mặc dù số lượng DN tăng lên nhưng theo chuyên gia này, vẫn có những vấn đề mang tính chất cơ cấu đối với DN Việt Nam. Số liệu của Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu DN đăng ký, nhưng số liệu năm 2019 cho thấy chỉ có khoảng 758 ngàn DN hoạt động. "Như vậy, có một khoảng cách rất lớn giữa DN đăng ký thành lập và DN thực sự hoạt động. DN không còn tồn tại còn rất lớn!"- Chuyên gia này phân tích và cho rằng, giai đoạn tới cần thiết phải nâng tỷ trọng DN hoạt động lên.

Về cơ cấu phân bố DN hiện nay, ông Bình thông tin, phần lớn DN Việt Nam nằm trong lĩnh vực dịch vụ trong đó tập trung bán buôn, bán lẻ và sửa chữa nhỏ, GTGT rất thấp. DN thành lập mới của khối DN này mỗi năm gần 100 nghìn DN trong lĩnh vực này. Trong khi đó, lĩnh vực Công nghiệp xây dựng con số này thấp hơn và đến DN lĩnh vực nông, lâm, thủy sản mỗi năm chỉ có chưa đến 2.000 DN thành lập.

"Cơ cấu của DN như vậy đã phù hợp hay chưa? Chúng ta đã quan tâm tới các DN nông nghiệp hay chưa? Cần có biện pháp để phát triển các DN ở nông thôn như thế nào để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có vị trí trên trường quốc tế về nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản?" –Chuyên gia đặt câu hỏi và khẳng định, đây là vấn đề trong cơ cấu DN Việt Nam mà chúng ta phải tạo ra một không gian mới trong việc cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Doanh nghiệp phải đủ lớn mới mạnh

Trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, để đạt được các mục tiêu dự kiến đặt ra và khát vọng phát triển đất nước trong thập kỷ tới quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 cần được đẩy nhanh hơn và thực sự bứt phá.

“Theo đó, muốn trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất phải đạt 6,5% hàng năm, cao hơn so với kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020 là 5,8%"- ông Phòng lưu ý.

Với năng suất lao động đang được đánh giá rất thấp trong khu vực Đông Nam Á, theo Giám đốc Ecomomica Việt Nam, đây là vấn đề cần đặt ra để DN xử lý.

Tuy nhiên, có một thực tế là Việt Nam đang là thiếu vắng DN cỡ vừa. "Theo tiêu chí đánh giá dựa trên Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, chúng ta có hơn 800 nghìn DN. Trong đó  có khoảng 17 ngàn DN lớn, 21 ngàn DN vừa. Khi phát triển DN với một quốc gia bình thường người ta coi trọng phát triển DN vừa. Tuy nhiên ở Việt Nam thiếu các DN vừa trong khi chúng ta phần lớn là các DN nhỏ và siêu nhỏ"- ông Bình nói.

Dẫn con số 71 nghìn tỷ đồng DN siêu nhỏ lỗ trong năm 2019, ông Bình cho rằng, DN càng nhỏ, khó khăn càng lớn, nhất là DN nông nghiệp. “Vậy phải làm thế nào nếu muốn có khu vực DN phát triển bền vững?”- Chuyên gia này đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng với 98% DN nhỏ và vừa như hiện nay, để DN phát triển bền vững phải thúc đẩy DN nhỏ và siêu nhỏ lớn dần lên.

Theo các chuyên gia, chỉ khi DN đủ lớn mới có khả năng chống chịu với các cú sốc, phát triển ổn định thì mới có thể tăng năng suất lao động.

Chia sẻ  về mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM), TS Nguyễn Thị Hồng Minh cũng cho rằng, cần đạt được sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế chủ lực, phải có sự chuyển biến thực chất rõ nét về mô hình tăng trưởng; sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của DN…

”Phải có sự phát triển và nâng cao sức chống chịu, thích ứng trước những diến biến phức tạp từ bên trong cũng như bên ngoài. Đặc biệt, cần hình thành rõ những cơ cấu hợp lý trong từng ngành từng lĩnh vực; cũng như có sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao…”- Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Giám đốc Ecomomica Việt Nam quả quyết: “Những DN vừa mới có nhiều tiềm năng để trở thành DN lớn, có khả năng đầu tư R&D, tăng quy mô… Vì vậy, cần xem xét lại làm sao để hình thành DN cỡ vừa, không thể để cấu trúc DN Việt Nam lệch như hiện nay. Và để sau khoảng 10 năm nữa để “bức tranh” DN Việt Nam thay đổi…"

TIN LIÊN QUAN