Suốt 75 năm WB và IMF dẫn dắt kinh tế thế giới ra sao?

(NTD) - Trong đêm tối mịt mùng của Thế chiến thứ hai, ngày 22/7/1944, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được chính thức thành lập với sứ mệnh lịch sử: Tái thiết châu Âu kiệt quệ tài chính và sau này là Nhật Bản - quốc gia rơi vào thảm kịch sau khi cùng với phe Trục (Ý và Đức quốc xã) đầu hàng phe Đồng minh do Mỹ dẫn đầu. Suốt 75 năm qua là quá trình cả WB và IMF nỗ lực không mệt mỏi tìm biện pháp chặn đứng các cuộc xung đột kinh tế, vốn là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh thảm khốc.

Câu nằm lòng của những chuyên gia tầm cỡ kinh tế: Khủng hoảng không bao giờ chấm dứt. Dù ít hay nhiều, nó vẫn cứ là khủng hoảng, Khi sự vận động nội tại của chính nền kinh tế của mỗi nước với đặc trưng riêng, thì mâu thuẫn về chính sách, quyền lợi và biện pháp... giữa các nước, các khu vực luôn nảy sinh. Và chắc chắn một điều là: Mâu thuẫn nảy sinh khiến kinh tế khủng hoảng.

Theo Chủ tịch WB David Malpass, sau 75 năm hình thành và phát triển, WB và IMF đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vì chưa thật sự hiệu quả trong việc ngăn chặn khủng hoảng, khiến cuộc sống của một số người dân ở trong “vùng trũng” của xã hội bị “bần cùng hóa”.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên AFP, Chủ tịch Malpass cho rằng “thách thức là rất lớn” vì từ nhiệm vụ tái thiết và phát triển, nay WB đã và đang gánh thêm công việc xóa đói và giảm nghèo - nhiệm vụ không hề dễ.

Các chương trình hỗ trợ châu Phi đầu tư hạ tầng và tạo công ăn việc làm cho dân số đang gia tăng với tốc độ báo động cũng là một trong những vấn đề đau đầu cho WB lẫn IMF.

Về phía IMF, những thành tựu trong quá khứ mà họ đạt được khá ít trong bối cảnh bị bao vây bởi một loạt cú sốc lớn: Khủng hoảng nợ ở Mỹ Latinh vào những năm 1980, khủng hoảng châu Á và Nga trong những năm 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - điểm khởi đầu của cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu mà đến nay vẫn còn âm hưởng.

Trong mỗi cuộc khủng hoảng kể trên, những ảnh hưởng và thiệt hại kéo dài trên một thập niên và IMF bị đổ lỗi vì đã khiến tình hình trở nên ảm đạm hơn khi có xu hướng thiên vị lợi ích của doanh nghiệp tại các nước giàu có.

Mặc dù vậy, có một điểm đáng ghi nhận là tỷ lệ nghèo đói cùng cực đã giảm mạnh trên toàn thế giới - với mức giảm khoảng một tỷ người kể từ năm 1990. Masood Ahmed - từng làm việc luân phiên tại WB và IMF, hiện lãnh đạo Trung tâm Phát triển Toàn cầu chuyên nghiên cứu về chống đói nghèo, nhận định: “Thế giới chưa khi nào được chứng kiến nhiều tiến bộ trong các hành động cải thiện cuộc sống của dân như chúng ta đã thấy trong vòng 75 năm qua”.

Còn ông Malpass, thì: “Tôi muốn WB ngày càng hiệu quả hơn trong việc giúp nhiều nước tìm ra con đường phát triển hiệu quả, đem lại kết quả tốt đẹp cho người dân”.

Cựu Phó Giám đốc IMF Agustin Carstens lại đánh giá cao WB và IMF vì giám sát và hành động kịp thời. Ông cho rằng những tư vấn chính sách của cả hai đã ngăn chặn nhiều cuộc khủng hoảng. Hơn nữa, IMF được thành lập trong bối cảnh hậu Thế chiến thứ hai hoang tàn, cạn kiệt tất cả các nguồn tài chính và không có sự lựa chọn tối ưu.

Cả WB lẫn IMF đều đã rất cố gắng thay đổi hình ảnh trong hai thập niên gần đây. Song họ vẫn cần có chiến lược tốt để đối phó với các xung đột lợi ích trong tiến trình toàn cầu hóa, nhất là khi cả thế giới đang bị kéo vào vòng xoáy của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc!

 Lê Miên Tường

 

Nên đọc