Sống biệt lập hơn 200 ngày trong tàu Nguyệt Cung, Trung Quốc tham vọng chinh phục vũ trụ?

(NTD) - Trong trạm không gian Yuegong 1 (Nguyệt Cung 1), một nhóm sinh viên trường Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, sẽ có thời gian 200 ngày sống thử trong môi trường mô phỏng mặt trăng.

Hình ảnh bên trong cabin tàu Nguyệt Cung (Ảnh: Kira.net)

Theo đó, các sinh viên đã tốt nghiệp ngành du hành vũ trụ của trường, sẽ chuyển vào ở trong một cabin của trạm. Trong hơn 200 ngày, nhóm sinh viên này sẽ sống hoàn toàn tách biệt và buộc phải tự mình xoay sở tái chế mọi thứ từ cây trồng cho đến nước tiểu.

Hiện Nguyệt Cung có 1 buồng sinh hoạt diện tích 42 m2, tương đương với diện tích của một căn hộ cỡ nhỏ, 2 buồng cây xanh có chiều cao là 3,5m, diện tích khoảng 50 – 60m2. Buồng sinh hoạt có bốn phòng ngủ mini, một nơi để mọi người sinh hoạt chung, một phòng tắm, một nơi để xử lý chất thải và phòng để nuôi trồng động thực vật.

Đựợc biết, mục đích của việc này nhằm chuẩn bị cho những sứ mệnh không gian dài hạn sắp tới của Trung Quốc. Hiện quốc gia này đang đổ tiền vào chương trình không gian nhằm chạy đua khoa học vũ trụ với Hoa Kỳ và Nga.

“Chúng tôi thiết kế để số oxy đủ dùng cho con người, động vật và các sinh vật phân hủy rác thải” - Giáo sư Liu Hong thuộc Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh - trao đổi với tờ Reuters.

Ngoài ra, nghiên cứu lần này còn nhằm tìm hiểu tâm lý phi hành gia khi sống trong một không gian nhỏ dưới một thời gian dài và không có ánh sáng mặt trời.

“Chúng tôi đã thử nghiệm trên động vật và chúng tôi muốn biết tác động của nó lên con người” - bà Liu giải thích thêm.

Đồng thời, Trung Quốc cũng có ý định đưa các phi hành gia đầu tiên của mình lên mặt trăng trong vòng 10 năm tới. Bắc Kinh đã dự kiến sẽ phóng tàu thám hiểm mặt trăng vào năm 2018 và đưa người lên vào năm 2036.

Trước đó, ở đảo Hawaii của Mỹ, một nhóm 6 người cũng đã sống cách li trong môi trường giả lập sao Hỏa suốt năm 2016, nhằm mục đích thử nghiệm khả năng loài người sinh sống trên sao Hỏa.

Như Ý (Theo Reuters. 7/2017)

Nên đọc