Ngày 3/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được thông tin cập nhật về tình hình dịch sởi tại các nước trên thế giới. Theo đó, dịch sởi đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới: châu Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi, các nước khu vực Thái Bình Dương; châu Âu đang bước vào mùa Đông Xuân 2014-2015, dịch Sởi có nguy cơ bùng phát lan rộng nếu không quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn phòng ngừa.
Báo cáo tại 7 quốc gia châu Âu trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 đã có 22.149 trường hợp mắc sởi được ghi nhận. Điều này đe dọa mục tiêu của châu Âu là loại trừ bệnh sởi vào cuối năm 2015. Mặc dù số trường hợp mắc sởi đã giảm 50% trong năm 2013-2014 nhưng các vụ dịch sởi lớn vẫn tiếp tục xảy ra tại một số quốc gia. Báo cáo phân lập vi rút các trường hợp mắc sởi được xác định đều thuộc phân týp vi rút D8 là týp vi rút Sởi lưu hành phổ biến hiện nay.
Tại cuộc họp cuối tháng 2 do WHO tổ chức nhằm kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng, Tiến sĩ Zsuzsanna Jakab, Giám đốc WHO khu vực châu Âu bày tỏ: "Không thể chấp nhận là sau 50 năm với những nỗ lực tiêm chủng vắc-xin sởi an toàn và hiệu quả, dịch bệnh sởi vẫn tiếp tục gây tổn thất về người, tiền bạc và thời gian".
Theo đó, trong suốt 2 thập kỷ qua tại khu vực Châu Âu đã giảm được 96% các trường hợp mắc sởi ở khu vực châu Âu. Tuy nhiên việc dịch sởi quay lại và lây lan nhanh tại các quốc gia này cho thấy cần có những biện pháp ứng phó tổng thể, không chậm trễ, nhằm thu hẹp khoảng cách về miễn dịch với dịch bệnh này.
Dịch sởi tiếp tục xảy ra tại châu Âu do nhiều người không có miễn dịch hoặc miễn dịch kém với vi rút sởi, đặc biệt gia tăng số lượng cha mẹ từ chối tiêm chủng vắc xin cho trẻ hoặc gặp phải rào cản trong việc tiếp cận vắc xin. Du lịch có thể làm gia tăng nguy cơ phơi nhiễm với vi rút sởi và sự dễ dàng lan truyền của vi rút trong cộng đồng, những người không được tiêm vắc xin”.Tiến sĩ Nedret Emiroglu, Phó Giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm, An ninh y tế và Môi trường tại Văn phòng WHO khu vực châu Âu cho biết: “Ưu tiên hiện nay là kiểm soát dịch sởi hiện tại ở tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng bằng việc tiêm chủng hướng tới người có nguy cơ. Bên cạnh đó, tất cả các quốc gia, không có ngoại lệ, cần phải duy trì phạm vi bao phủ tiêm chủng vắc xin sởi định kỳ ở mức rất cao, có như vậy dịch sởi sẽ không xảy ra một lần nữa trong khu vực và có thể được loại trừ ngay và ở tất cả các quốc gia".Để hỗ trợ các quốc gia châu Âu trong nỗ lực này, Văn phòng WHO khu vực châu Âu đã xây dựng kế hoạch hành động tiêm chủng mới cho khu vực châu Âu (EVAP) dựa trên Kế hoạch hành động tiêm chủng vắc xin toàn cầu.
Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm sởi - rubella lớn nhất nước cho trên 23 triệu trẻ em vẫn đang được triển khai. Bộ Y tế chủ trương với những đối tượng tiêm vét, sau chiến dịch Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt tiêm vét, đảm bảo đạt tỉ lệ cao nhất những trẻ bị hoãn tiêm được tiêm lại. Song song với chiến dịch, Bộ Y tế kêu gọi người dân cho trẻ đi tiêm vắc xin sởi đúng lịch. Càng nhiều trẻ được bảo vệ bởi vắc xin, nguy cơ mắc sởi trong cộng đồng càng ít đi.
“Theo đó, khi con tròn 9 tháng tuổi hãy nên cho trẻ tiêm vắc xin sởi, đừng đợi thêm 3 tháng để đủ tuổi mới tiêm sởi - rubella vì thực tế rất nhiều ca bệnh xảy ra quanh độ tuổi này, do cha mẹ chờ con đủ tuổi để tiêm vắc xin dịch vụ”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Theo Tú Anh
Dân trí