Trước đây, biện pháp chính của FED là từng bước giảm nguồn cho vay trên thị trường tài chính ngắn hạn đối với những hợp đồng mua lại (repo), tức là cho vay tiền mặt qua đêm, hoặc kỳ hạn ngắn 2 tuần. Tuy nhiên, quyết định này phản ánh tình hình căng thẳng trên thị trường cho vay ngắn hạn và đó là hệ quả của dịch Covid-19 đang ngày càng lan rộng tại Mỹ cũng như trên thế giới.
FED tuyên bố việc bơm tiền này là một phần trong nỗ lực nhằm bảo đảm thị trường cho vay hoạt động thuận lợi. Cụ thể, FED sẽ tăng nguồn cho vay đối với các thỏa thuận qua đêm từ 100-150 tỷ USD tới ngày thứ 12/3, thời điểm FED cập nhật kế hoạch cho vay trong tháng của mình. Bên cạnh đó, FED cũng nâng nguồn tiền dành cho các thỏa thuận theo kỳ hạn 2 tuần từ tối thiểu 20 tỷ USD lên ít nhất 45 tỷ USD.
Trước đó, ngày 3/3, FED đã quyết định hạ 0,5% lãi suất cơ bản đồng USD để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ đang bị tác động bởi dịch Covid-19 (FED đã ba lần cắt giảm lãi suất chính trong năm 2019). Theo thông báo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của FED, lãi suất cơ bản sẽ được điều chỉnh xuống biên độ 1-1,25%.
Tại sàn giao dịch chứng khoán Wall Street ở New York, chỉ số Dow Jones mở cửa phiên giao dịch ngày 11/3, giảm 6,9%; chỉ số S&P 500 cũng giảm hơn 7%, khiến sàn giao dịch tạm dừng hoạt động trong vòng 15 phút - điều chưa từng xảy ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính từ 2008-2009.
Đồng USD, dầu thô và vàng cũng giảm giá nhẹ. Hiện tại, cả Mỹ, châu Âu lẫn thế giới đều đang đối mặt với khả năng suy thoái trong nửa đầu năm 2020 do dịch Covid-19 khiến nhu cầu và nguồn cung giảm sút.
Tuyên bố của FED nêu rõ: “Việc bơm thêm tiền nhằm bảo đảm nguồn cung dự trữ được dồi dào và giảm thiểu rủi ro từ những áp lực trên thị trường tiền tệ mà có thể tác động bất lợi cho việc thực thi chính sách”.
Theo tuyên bố, dù các yếu tố căn bản của nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, song “dịch Covid-19 đang gây ra những rủi ro ngày càng lớn đối với các hoạt động kinh tế”. Chủ tịch FED Jerome Powell nói: “Chúng tôi nhận thấy viễn cảnh kinh tế đối mặt với rủi ro và quyết định hành động”. Song ông cũng khẳng định nền kinh tế vẫn vận hành tốt và ông kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ hoàn toàn phục hồi sau khi đợt dịch này kết thúc.
Ngay sau tuyên bố của FED, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống con số rất thấp: Khoảng 2,2%, thay vì hơn 6,2% như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã từng dự báo trước khi có dịch Covid-19.
Theo kinh tế gia Joel Naroff, dịch Covid-19 có thể trở thành một yếu tố ảnh hưởng tới chính sách của FED nếu nó tấn công thị trường tài chính và có dấu hiệu rõ ràng rằng dịch sẽ làm nền kinh tế hạ nhiệt tăng trưởng. Trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, liệu việc FED bơm hàng ngàn tỷ USD “chữa cháy” có cứu vãn phần nào nền kinh tế thế giới đang tuột dốc?
Lê Miên Tường