Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), cơ quan thường trực của Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, trong 9 tháng đầu năm nay đã có 57 người tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh thành trên cả nước. So với cùng kỳ năm ngoái số người tử vong vì bệnh dại đã tăng lên. Đặc biệt, đã xuất hiện bệnh dại tại những địa phương trước đây không có ca bệnh nào.
Bệnh dại là một trong những bệnh lâu đời và nguy hiểm nhất. Bệnh nguy hiểm ở chỗ, khi đã có dấu hiệu lâm sàng thì tỷ lệ tử vong là 100%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giớ và đã được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi các triệu chứng biểu hiện trên cả người và động vật. Hàng năm, ước tính trên thế giới có khoảng 59.000 người tại hơn 150 quốc gia, chủ yếu từ những nhóm dân cư nghèo hoặc dễ bị tổn thương, tử vong do bệnh dại. Trong số đó có khoảng 40% nạn nhân là trẻ em dưới 15 tuổi.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo vật nuôi theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn, cào cần rửa kỹ vết thương dưới vòi nước với xà phòng trong 15 phút, sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng chặt vết thương khiến máu khó lưu thông và lập tức đến ngay cơ sởy tế gấn nhất để tiêm phòng dại kịp thời. - chuyên gia y tế khuyến cáo.
Nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi Hợp tác và tiêm chủng để phòng bệnh dại. Đồng thời, khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa ngành hơn nữa nhằm gia tăng sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả vắc xin cho người và động vật; tăng cường nhận thức của người dân về bệnh dại; và đạt được mục tiêu “biến cam kết thành hành động” ở cấp cao để chấm dứt bệnh dại.
Thuận Lê (tổng hợp)