Sinh viên khốn khổ vì nước bẩn ở ký túc xá

Gần 1 tháng nay, sinh viên ký túc xá Đại học Tài nguyên và Môt trường phải sinh hoạt với nước bẩn, gây nên tình trạng hoang mang, lo lắng về chất lượng nước, ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như học tập của sinh viên.

 Điều bắt gặp đầu tiên khi đến ký túc xá, là những chậu nước, xô nước sạch được các sinh viên lấy về dự trữ tại các phòng. Bên trong phòng vệ sinh, những thùng đựng nước có màu đục, dưới đáy thùng là cặn màu đen.

Những thùng nước các em sinh viên dự trữ đều có màu trắng đục.

Theo phản ánh của các sinh viên sống ở ký túc xá, hiện tượng nước bị đục đã có gần một tháng nay, làm đảo lộn mọi sinh hoạt của sinh viên và có thể xuất hiện các bệnh về da. Phương Thảo, sinh viên năm cuối cho biết: “Tình trạng nước đục, bị đóng váng đã xuất hiện gần một tháng nay, nhưng không có nguồn nước nào khác nên bọn em đành chấp nhận dùng. Một số bạn đã xuất hiện những đốm lạ trên da tay, da chân…”. Theo quan sát của chúng tôi, nước từ các vòi chứa nước chảy ra sau một thời gian thì xuất hiện như màu nước gạo, có nhiều cặn màu đen xuất hiện dưới đáy thùng chứa nước... Em Trần Thị Huệ sinh viên năm 2 chia sẻ: “Em phải đi xách nước về tắm, còn những bạn khác đi học cả ngày về mệt, nên cũng chấp nhận dùng nước này. Các em đã kiến nghị, nhưng ban quản lý nói nước đã qua quá trình xử lý rồi, nên chúng em cũng không biết nói thế nào nữa”.

Những xô nước sạch được các em sinh viên xách về dự trữ để sinh hoạt cá nhân

Theo Ban quản lý Trung tâm dịch vụ trường học, nước ở ký túc xá là dùng nguồn nước sạch Sông Đà, nhưng ở cuối nguồn nước nên không đủ, ban quản lý phối hợp với nhà trường đang tiến hành xây một trạm nước ngầm, đang vận hành thử. Trong quá trình vận hành, bơm, rửa, sục nước… nên khi bơm lên màu nước bị đục. Ông Đinh Hữu Tịnh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ trường học lý giải: “Sau khi tiếp nhận thông tin từ Ban quan lý ký túc xá, chúng tôi tiến hành kiểm tra và đúng là nước có màu đục. Chúng tôi báo cáo lên nhà trường để phối hợp giải quyết. Nhưng không phải nước lúc nào cũng đục, chỉ khi người ta vận hành thử, bơm nhanh nước mới bị đục, còn khi không vận hành thì nước vẫn trong.”

Mọi thông tin mời bạn đọc xem thêm tại đây.

Theo Báo Nông nghiệp

Nên đọc