Siết chặt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến giao thông

(CL&CS)- Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, hiệu quả đấu tránh còn thấp.

Theo Bộ GTVT, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT đã chủ động triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp; hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thấp.

Để chủ động ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả tình trạng này, đặc biệt là từ nay đến cuối năm 2022; Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa; chú ý các mặt hàng pháo nổ, hàng điện tử, xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia, động vật quý hiếm và các mặt hàng tiêu dùng nhiều.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, cảng) và các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện; kiên quyết từ chối vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.

Bộ GTVT siết chặt công tác đấu tranh buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến đường đầu mối giao thông. Ảnh: Hải Nam

 

Thủ trưởng bến xe, nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển tại đơn vị.

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Song hành với đó là tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.

Tương tự, theo đánh giá của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động buôn lậu, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả giảm so với cùng kỳ năm 2021, song còn diễn biến phức tạp ở các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Theo Bộ Công an, trên tuyến biên giới, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng cấm có chiều hướng giảm; các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng, bánh kẹo, thuốc lá, pháo nổ, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Thủ đoạn lợi dụng cơ chế khai báo hải quan điện tử, tạm nhập - tái xuất, quá cảnh, sử dụng pháp nhân doanh nghiệp mở tờ khai, khai báo gian dối về số lượng, chủng loại, nhãn mác và giá hàng hóa để buôn lậu.

Tại các tỉnh khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, hoạt động buôn lậu tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.., chủ yếu buôn lậu mặt hàng rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, lâm sản, pháo nổ, đồ chơi trẻ em; buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm (vẩy tê tê, các sản phẩm từ ngà voi...) từ Lào và Campuchia về Việt Nam. Tuyến biên giới các tỉnh phía Nam, phức tạp nhất là tại địa bàn Long An, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp... mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, thuốc tân dược, hàng tiêu dùng, nông sản...

Đặc biệt, giá vàng trong nước tăng mạnh so với giá vàng thế giới nên các đối tượng tăng cường hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an taoij một số tỉnh như: An Giang bắt giữ 3 thỏi kim loại màu vàng, 15 kg vàng nữ trang, 2.270.000 USD và 25,1 tỷ đồng. Tây Ninh khởi tố vụ buôn lâu 56 kg vàng. Long An bắt giữ vụ buôn lậu 39kg vàng, 1,566 tỷ đồng; 280.925 USD.

Bên cạnh đó, tình hình tội phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Nga - Ucraina làm ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu thế giới. Trong nước, nguồn xăng nhập khẩu của một số doanh nghiệp bị đứt gãy, gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn vị sản xuất trong nước chưa sản xuất đủ công suất dẫn đến giá xăng dầu liên tục tăng cao. Các đối tượng tập trung hoạt động đầu cơ, găm hàng chờ lên giá, xuất lậu, nhập lậu, pha chế làm giả xăng dầu, tuồn ra thị trường để tiêu thụ.

Trong 6 tháng đầu năm, Cục C03 phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu và Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện vụ vận chuyển xăng dầu không hóa đơn, chứng từ trên sông Sài Gòn của Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Phúc Thọ, qua kiểm tra phát hiện tàu SG9231 chứa 306 tấn (tưng đường 322.000 lít) dầu F0, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tàu SG3190 chứa 96 tấn (tương đương 103.000 lít) dầu F0 chứa trong các tét dầu, trong đó có 5000 lít dầu F0 không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tiếp đến, phát hiện xà lan chứa 70 tấn (tương đương 88.000 lít) dầu không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu nhập lậu thông qua hình thức tái xuất cho tàu biển quốc tế.

Tại Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ 14 vụ, tạm giữ 6.080 lít xăng, 14.306 lít dầu Diezel không rõ nguồn gốc; Tỉnh Sóc Trăng phát hiện 01 vụ liên quan đến 02 tổ chức mua, bán 11.000 lít dầu DO 0.05S-II ngoài hệ thống phân phối; Nghệ An bắt giữ 1,3 triệu lít xăng không rõ nguồn gốc...

Theo đánh giá của Bộ Công an, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn trong khi điều kiện trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu còn hạn chế, chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây thường thuê người, phương tiện để vận chuyển hàng hóa nên khó khăn trong công tác điều tra đối tượng chính.

Mặt khác, quy định của Luật Thuế về hóa đơn, chứng từ, xuất và sử dụng hóa đơn... còn bất cập, chưa phù hợp dẫn đến công tác quản lý hóa đơn chưa chặt chẽ, là điều kiện để các đối tượng buôn lậu lợi dụng để hợp thức hàng hóa nhập lậu.

Việc xác định số lợi bất chính đối với hàng hóa có hóa đơn cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể về việc xác định số lợi bất chính mà chủ yếu dựa vào giá trị hàng hóa ghi trong hóa đơn để làm căn cứ, từ đó dẫn đến việc truy thu số lợi nhuận bất chính chưa bảo đảm được số lượng, chưa đủ sức răn đe.

Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng và các địa phương chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, thường xuyên, chỉ mang tính chất vụ việc, chưa xác lập được chuyên án đấu tranh chung.

Lực lượng làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, trình độ ở một số lĩnh vực (sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, gian lận thương mại, kê khai thuế điện tử, kinh doanh trực tuyến) còn hạn chế chưa tương xứng với tình hình hiện nay, từ đó khó khăn cho công tác đấu tranh với các đối tượng.

Bên cạnh đó, kinh phí tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng còn hạn hẹp; việc lưu giữ, bảo quản hàng hóa chờ xử lý gặp nhiều khó khăn do không có kho chuyên dụng. Công tác giám định chất lượng hàng hóa, chờ kết quả giám định chất lượng mất thời gian dài, chi phí cho công tác giám định cao, đặc biệt là những lô hàng tạm giữ hàng nghìn mẫu vật phải giám định từng mẫu vật, ảnh hưởng đến việc lập hồ sơ.

TIN LIÊN QUAN