Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) thông báo 13/10 là ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu của cổ đông hiện hữu. Thời gian chuyển nhượng quyền mua cổ phần 21/10 - 4/11, thời gian đăng ký nộp tiền 21/10 - 10/11.
Theo đó, SeABank phát hành 136 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 10,1304%. Số cổ phiếu lẻ sẽ được Công đoàn SeABank Hội sở mua và quản lý, đồng thời không bị hạn chế chuyển nhượng. Số cổ phiếu do nhà đầu tư từ chối quyền mua sẽ được ngân hàng bán cho đối tượng khác với thời gian hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Đợt phát hành này giúp SeABank thu về 2.040 tỷ đồng. Nguồn vốn này được ngân hàng phân bổ 1.540 tỷ đồng cho vay khách hàng doanh nghiệp, cá nhân, 200 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Chính phủ và 300 tỷ đồng đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng khác. Đợt phát hành thành công giúp vốn điều lệ của SeABank tăng lên 14.785 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm nay ngân hàng này có 3 đợt tăng vốn điều lệ từ 12.087 tỷ đồng lên 14.785 tỷ đồng. Đó là phát hành 110.244.161 cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 9,1206%, phát hành 23,5 triệu cổ phiếu ESOP và lần này chào bán 136 triệu cổ phiếu. Trong đó, phát hành cổ phiếu ESOP với hai mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu và 16.800 đồng/cổ phiếu giúp ngân hàng thu về 366 tỷ đồng.
Cổ phiếu SSB của SeABank mới lên sàn chứng khoán hồi 24/3/2021. Hòa mình vào cơn sóng cổ phiếu ngân hàng, SSB có sự bứt phá vượt bậc khi tăng 131% so với giá tham chiếu 16.800 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa ngày 4/10, SSB đạt 35.850 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa SeABank đạt 48.128 tỷ đồng.