Ngoài việc đưa cổ phiếu lên thị trường UPCoM, SCB còn trình đại hội kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 15.232 tỷ đồng lên 20.232 tỷ đồng bằng việc phát hành 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư trong, ngoài nước. Nguồn vốn thu được 5.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào tài sản cố định và hiện đại hóa công nghệ thông tin (500 tỷ đồng); đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở hoạt động và hệ thống nhận diện thương hiệu SCB (500 tỷ đồng); và bổ sung nguồn vốn kinh doanh (4.000 tỷ đồng).
Cuối năm 2019, SCB có 567.913 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 11,58% so với cùng kỳ năm trước (yoy). Tổng tài sản của SCB xếp thứ 5 trong hệ thống các tổ chức tín dụng và đứng đầu trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân.
Cho vay khách hàng đạt 333.879 tỷ đồng, tăng 10,6% yoy. Huy động thị trường 1 đạt 488.092 tỷ đồng, tăng 16,67% yoy, trong đó tiền gửi khách hàng đạt 438.287 tỷ đồng, tăng 13,9% yoy, giấy tờ có giá đạt 49.804 tỷ đồng, tăng 49% yoy. Năm 2019, SCB đạt 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 3,93% yoy.
Kế hoạch một số chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2020 của SCB |
Kế hoạch năm nay, SCB được ngân hàng phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng 13% (đạt 377.283 tỷ đồng), huy động thị trường 1 bao gồm các giấy tờ có giá tăng 13,32% (553.092 tỷ đồng), tổng tài sản tăng 12,19% (637.166 tỷ đồng)
Ngoài ra, SCB còn trình đại hội địa điểm đặt trụ sở chính tại tòa nhà 19-25 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM với tầng trệt, tầng lửng và tầng 1 - 8 có tổng diện tích 4.306 m2. Ngân hàng cho rằng, vị trí tòa nhà thuê nằm gần giao lộ Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng nên có không gian thoáng đẹp, rất thuận tiên cho việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu của SCB. Việc đặt trụ sở chính tại tuyến đường này còn nâng tầm vị thế của SCB trên thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Nguyễn Như