Quyết định ngừng hoạt động được Cambridge Analytica thông báo chỉ vài tuần sau khi bị cáo buộc đã mua và khai thác trái phép dữ liệu 87 triệu người dùng Facebook, mà người phát hiện ra là giáo sư học thuật Alexander Kogan thuộc trường Đại học Cambridge, sau một thời gian nghiên cứu, điều tra.
Tuyên bố của lãnh đạo Cambridge Analytica nêu rõ: "trong vài tháng qua, Cambridge Analytica đã trở thành chủ đề của nhiều cáo buộc vô căn cứ", gây ảnh hưởng đáng kể "đến các hoạt động hợp pháp của công ty này trên cả lĩnh vực chính trị lẫn thương mại".
Vì bê bối dữ liệu của Facebook, Cambridge Analytica ngừng hoạt động (Ảnh: AFP) |
Lãnh đạo công ty khẳng định rằng các nhân viên của mình đã xử lý dữ liệu một cách hợp pháp, song sự bủa vây và sức ép từ giới truyền thông đã khiến hầu hết hàng chục triệu khách hàng và nhà cung cấp quay lưng lại với công ty.
Trước đó, ông Alexander Nix - Giám đốc điều hành (CEO) Cambridge Analytica, đã bị đình chỉ công tác để phục vụ cuộc điều tra cáo buộc thu thập trái phép thông tin cá nhân của người dùng Facebook.
Lãnh đạo Cambridge Analytica cũng đã tuyên bố họ không sử dụng các dữ liệu của Facebook phục vụ chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của tỉ phú Donald Trump hồi năm 2016.
Trụ sở Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica ở London (Ảnh:Reuters) |
Công ty nhất mực bác bỏ việc sử dụng dữ liệu với mục đích sai trái, khẳng định rằng đã xóa bỏ toàn bộ dữ liệu của Facebook từ một ứng dụng thứ 3 vào năm 2014, sau khi nhận ra rằng việc sử dụng thông tin này là trái với quy định về bảo vệ dữ liệu.
Theo giới phân tích, việc Cambridge Analytica ngừng hoạt động chắc chắn sẽ giúp Facebook phục hồi lại uy tín đã mất do vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng gây ra.
Khánh Phương