Gồng mình “làm trái”
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) huyện Cai Lậy, hơn 4.544ha sầu riêng ở bốn xã Tam Bình, Long Trung, Ngũ Hiệp và Tân Phong trên địa bàn huyện đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ nước mặn.
Nhiều vườn sầu riêng đã bị hư hỏng lên đến hơn 50% diện tích và con số chưa chắc dừng ở đó. Chính quyền địa phương và ngành chức năng đã khuyến cáo nông dân không nên để sầu riêng làm trái (ép cây ra trái, tiếng địa phương) trong điều kiện hạn mặn. Nhưng bất chấp khuyến cáo này, diện tích sầu riêng làm trái vẫn tăng lên, vì lý do: “Hạn mặn kéo dài, sầu riêng mùa tới sẽ khan hiếm nên giá có thể sẽ... rất cao”.
Tại xã Tam Bình, mặc dù vườn sầu riêng đang bị hạn mặn tấn công, nhưng anh Trần Minh Hậu vẫn “cắn răng” mua nước ngọt với giá mức 300.000 đồng/m3 để cứu vườn sầu riêng. “Một can nước ngọt 50 lít hiện có giá hơn 100.000 đồng. Vừa rồi tôi tốn mấy triệu bạc để mua nước tưới cho sầu riêng. Nhưng với số lượng nước ngọt đó chỉ là chữa cháy” - anh Hậu bộc bạch. Theo anh Hậu, do không thể “nhắm mắt làm ngơ” nhìn vườn sầu riêng thiếu nước, nhất là khi vườn đang cho trái và nhất là dấu hiệu giá sẽ tăng cao khi vào vụ thu hoạch mới.
“Mấy ngày qua, sầu riêng bắt đầu hút hàng, tăng giá. Hiện, giá đã tăng lên hơn 60.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp, thương lái tìm hàng để thu mua nhưng số lượng gần như đã hết. Đây là dấu hiệu rất tốt để hy vọng sầu riêng vụ tới giá cả sẽ khá cao” - anh Hậu thông tin.
Hạn mặn khiến vườn cây sầu riêng càng thêm xơ xác, nhưng chị Lê Ngọc Anh (xã Ngũ Hiệp) cho hay: “Dù số tiền bỏ ra để mua nước ngọt tưới cây khá... căng, nhưng nếu vượt qua hạn mặn, vụ tới tui sẽ thắng to vì chắc chắn giá sầu riêng sẽ đắt đỏ sau khi nhiều vườn tại đây bị chết cây rất nhiều bởi hạn mặn”.
Cũng theo chị Ngọc Anh, nhiều bà con nông dân trên địa bàn xã cũng đang cho sầu riêng đeo trái và cũng đang hy vọng được giá như chị.
Hiện diện tích sầu riêng đang mang trái thiếu nước tưới trầm trọng trên địa bàn Cai Lậy là trên 1.100ha.
Vườn sầu riêng chưa rụng lá. |
Nỗ lực cứu vườn cây đặc sản
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, toàn tỉnh có hơn 13.000ha sầu riêng. Vùng cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn thuộc phía nam quốc lộ 1 là 36.121ha; trong đó, diện tích cây ăn trái mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ là 24.731ha, bao gồm sầu riêng, cây có múi, vú sữa, thanh long...
Trước tình hình nước mặn xâm nhập sâu đe dọa vườn cây sầu riêng, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát, kiểm tra, tìm giải pháp ứng phó. Tuy nhiên, do nước mặn từ sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) kết hợp với triều cường từ biển Đông làm cho độ mặn trên sông Tiền khu vực huyện Cai Lậy luôn ở mức cao. Do đó, các phương án để bảo vệ vườn sầu riêng tại thời điểm này rất khó khăn.
Mới đây, huyện Cai Lậy đã đầu tư khẩn cấp 7,6 tỷ đồng hỗ trợ cho các xã sửa chữa cống đập, nạo vét kênh mương trữ nước để mong “cứu khát” cho vườn cây sầu riêng. Ngoài ra, giải pháp lâu dài được đặt ra là phải hoàn thiện hệ thống cống đập, đê bao theo vùng khép kín để trữ ngọt, ngăn mặn mới cứu vãn được vườn cây sầu riêng và chống chịu với hạn mặn…
Còn theo TS. Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, để cứu vườn sầu riêng bị hạn mặn, sau đợt khô hạn này, bà con nông dân cần phải tưới vườn bằng nước ngọt ngay, càng nhiều càng tốt để xả mặn cho đất. Đồng thời, cần thúc phân bón lá, phục hồi bộ rễ đang hư hại, tuyệt đối không dùng phân hóa học...
Bài và ảnh: Bá Lâm