Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau hơn 1 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tiếp tục tăng dù vẫn chịu tác động từ dịch COVID-19. |
Trong đó, điển hình là thủy sản, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với hồi tháng 7. Những mặt hàng tăng nhiều nhất là tôm và mực…
VASEP cho biết, trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.
Với mặt hàng tôm, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào EU đã tăng mạnh ở mức 2 con số. Cụ thể, trong tháng 8 vừa qua, xuất khẩu tôm vào EU ước tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản, còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Điều này cho thấy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông sản vào thị trường EU là rất lớn.
Riêng với tôm, ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm sú đông lạnh của Việt Nam đang được hưởng mức thuế 0%, so với mức thuế GSP (là mức thuế ưu đãi của các nước phát triển dành cho nước đang phát triển) 4,2% được áp dụng trước đó. Tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm khi EVFTA có hiệu lực.
Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhiều nhà xuất khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động nhiều tới xu hướng của các nhà nhập khẩu và thói quen tiêu thụ tôm của người dân EU. Vì vậy, để thu hút nhiều hơn sự quan tâm của người tiêu dùng EU, các sản phẩm thủy sản Việt Nam cần được chứng nhận, đảm bảo được truy xuất được nguồn gốc và an toàn và vệ sinh thực phẩm.
Chi Lê