Sát Rằm tháng Bảy: Nguyên liệu chay cháy hàng

(NTD) - Từ đầu tháng Bảy âm lịch, thị trường nguyên liệu chay đã trở nên nhộn nhịp, đặc biệt vào những ngày sát ngày Rằm, lượng tiêu thụ nguyên liệu chay tăng đột biến.

Khác với không khí buôn bán trầm lắng ngày thường, những ngày này thị trường thực phẩm chay nhộn nhịp khách mua. Vì thế, giá cả những mặt hàng này cũng đang nhích dần lên. Theo dự báo của các nhà bán lẻ, giá sẽ tiếp tục tăng trong những ngày Lễ Vu lan.

Tại chợ Cầu Giấy - Hà Nội, sáng ngày 11/7  âm lịch, giá 1 kg nấm rơm lên đến 130.000 đồng, trong khi ngày thường giá chưa đến 100.000 đồng. Tuy nhiên, người bán cho biết do số lượng người ăn chay ngày càng tăng như hiện nay, đến rằm, giá nấm rơm loại ngon có thể lên 200.000 đồng/kg.

Nguyên liệu chay hút người tiêu dùng trong dịp rằm tháng Bảy

Không riêng nấm, các loại rau củ quả như cà rốt, đậu cô ve, khổ qua, su su, củ cải trắng... đều tăng giá từ 10%-15% so với ngày thường. Tại các chợ nhỏ, giá đậu hũ không tăng do lượng hàng được các nhà sản xuất cung ứng khá nhiều, đây là loại thực phẩm được các bà nội trợ mua nhiều nhất.

Tại chợ Thành Công (Ba Đình – Hà Nội), các tiểu thương cho biết, những ngày đầu tháng 7 âm lịch, sức mua các mặt hàng rau củ quả, đồ chay đã tăng hơn 50% so với tháng trước. Giá một số mặt hàng như nấm, trái cây, rau củ cũng tăng đến 50%. Chị Lê Phương Lan ( Nguyễn Trãi - Hà Đông) , chia sẻ: “Ngoài việc ăn chay theo quan niệm tâm linh, nhiều người vì điều kiện sức khỏe, phải hạn chế ăn món mặn, cũng chuyển dần sang ăn chay một vài ngày trong tháng. Chính vì vậy, nhu cầu thị trường thực phẩm chay cũng ngày một đa dạng. Từ ngày 1/7, giá cả các mặt hàng ăn chay đã tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg so với tháng trước. Các loại như: tàu hũ, tàu hũ ky, mì căn, heo lát… được khách hàng ưa chuộng và bán chạy nhất trong mùa lễ Vu lan".

Tại các siêu thị, giá cả các mặt hàng rau củ quả, đồ chay tăng ít, vì thế mhiều người chọn mua các sản phẩm này tại siêu thị vì giá cả ổn định và an toàn về nguồn gốc, chất lượng.

Theo đại diện các siêu thị, xu hướng tiêu dùng thực phẩm chay đang có sự thay đổi rõ rệt. Nếu trước đây, các loại thực phẩm công nghệ tiêu thụ tốt thì năm nay, khách hàng chuyển hướng sang các loại rau củ quả, nấm, rong biển, đậu hũ, mì… Ngoài ra, các sản phẩm chay sản xuất trong nước cũng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ở Hà Nội, các đại lý, siêu thị, cửa hàng năm nay bày bán mặt hàng thực phẩm chay khá phong phú với các loại bò viên, bò viên sốt thơm, bột canh heo chay, bò hầm, xúc xích bò tiệt trùng, cá rô sốt chua cay, thịt gà cắt lát….

Nhiều bà nội trợ người đang săn lùng bánh trung thu chay, vừa để cúng lễ, vừa để làm quà biếu. Đánh vào tâm lý người tiêu dùng, nhiều nhãn hiệu đã tung ra các sản phẩm khá hấp dẫn. 

Bên cạnh nguyên liệu bán tại cửa hàng, siêu thị, trên thị trường còn có dịch vụ cung cấp nguyên liệu chay tại các nhà hàng chay trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo chủ nhà hàng cơm chay trên đường Khâm Thiên, Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 7 tới nay, cửa hàng của chị đã có khá nhiều người tiêu dùng đến hỏi mua nguyên liệu chay, tăng từ 30 - 40% so với năm ngoái. Những ngày cao điểm này cửa hàng không dám bán nguyên liệu mà chỉ tập trung phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng với những món ăn đặt sẵn. 

Nguyên liệu để chế biến các món ăn chay

Chủ cơ sở sản xuất đậu hũ ở gần chợ Thành Công - cho biết tháng này, cơ sở của anh phải tuyển thêm công nhân làm suốt đêm mà vẫn chưa đủ lượng hàng giao sỉ và bán lẻ tại chợ. Tuy vất vả nhưng anh Chuyên bảo vẫn không tăng giá đậu hũ vì muốn giữ chân khách hàng quen thuộc.

Bên cạnh nguyên liệu chay trong nước phong phú, trên thị trường còn đa dạng các loại thực phẩm chay là hàng nhập khẩu như các loại rong biển Hàn Quốc, thực phẩm organic của Đài Loan, Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong các sản phẩm đồ chay chế biến có thể chứa các phụ gia như hàn the, chất tạo màu, tạo hương vị... để hấp dẫn người mua. Vậy nên, người tiêu dùng chỉ sử dụng khi kiểm soát được nguồn gốc của nguyên liệu hoặc hàng có thương hiệu. Đối với thực phẩm chay ngoại nhập, người mua hàng cần chú ý tới nguồn gốc sản phẩm, tem nhãn phụ, hạn sử dụng...

Sau những thông tin nghi vấn về chất lượng sản phẩm thực phẩm chay, người tiêu dùng có xu hướng hạn chế dùng thực phẩm chay chế biến công nghiệp hoặc chỉ sử dụng những sản phẩm chay khá quen thuộc từ các thương hiệu có uy tín của các nhà sản xuất trong nước như chả giò rế chay, lẩu chay, bánh xếp, hoành thánh chay... với mức giá dao động từ 30.000 đến 70.000 đồng/gói.

Trong các sản phẩm đồ chay chế biến có thể chứa các phụ gia như hàn the, chất tạo màu, tạo hương vị... để hấp dẫn người mua, nên với các sản phẩm chế biến, người tiêu dùng chỉ sử dụng khi kiểm soát được nguồn gốc của nguyên liệu hoặc hàng có thương hiệu. 

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, đối với thực phẩm chay ngoại nhập, người mua hàng cần chú ý tới nguồn gốc sản phẩm, tem nhãn phụ, hạn sử dụng.

Mọi thông tin liên quan đến Tiêu dùng, bạn đọc có thể theo dõi thêm tại đây

Huyền Cao

Nên đọc