Sắp tăng phí quản lý tại các chợ đầu mối TP.HCM

(NTD) - Ban quản lý chợ ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở huyện Hóc Môn, Thủ Đức và Q.8 đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo ban ngành đẩy nhanh việc điều chỉnh phí quản lý chợ.

Chiều 13/2, làm việc với các cơ quan ban ngành thuộc UBND TP.HCM, Ban quản lý chợ của 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở các huyện Hóc Môn, Thủ Đức và Q.8 đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo ban ngành đẩy nhanh việc điều chỉnh phí quản lý chợ.

Khu vực kinh doanh hoa tại Chợ Bình Điền. Ảnh:NLDO.

Theo đại diện Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền (Q.8), dù đầu tư lớn nhưng hiện nay nguồn thu phí quản lý chợ theo quy định cũ của Thành phố chỉ 22.000 đồng/m2. Trong khi đó Công ty phải chi trả rất nhiều hạng mục như phí vệ sinh thu gom rác thải, vận chuyển rác thải, xử lý nước thải, phí bảo vệ an ninh trật tự, điện nước, chiếu sáng công cộng.... Các chi phí này rất lớn dẫn đến hàng năm Công ty phải bù lỗ số tiền lớn, ảnh hưởng đến việc vận hành chợ theo tiêu chí văn minh, hiện đại.

Cũng như chợ Bình Điền, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, với mức phí đã tồn tại 10 năm trước, số tiền thu của hơn 1.400 hộ kinh doanh tại chợ chỉ được 280 triệu đồng/tháng, không đủ để trả tiền xử lý rác thải, chứ chưa nói đến tiền điện gần 250 triệu đồng/tháng, tiền lương cho bảo vệ... Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cho phép tăng mức phí quản lý chợ lên 4 đến 5 lần so với hiện nay.

Theo Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở này đã tích cực phối hợp với Sở Tài chính xây dựng các mức thu phí dịch vụ tại 3 chợ đầu mối. Mức thu đề nghị điều chỉnh tăng đối với các phí dịch vụ từ 50 đên 100%. Sở Tài chính TP.HCM cũng cho biết, dự kiến danh mục phí mới sẽ được ban hành trong khoảng tháng 3/2017.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, chủ trương của thành phố là xây dựng các chợ đầu mối theo tiêu chí văn minh, hiện đại, trở thành điểm thu hút khách du lịch, hướng đến mô hình như một số khu chợ du lịch nổi tiếng ở Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Tuyến yêu cầu các chợ đầu mối tập trung cho việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng vượt trội và trên hết là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiến tới loại bỏ dần các nông sản kém chất lượng, độc hại ra khỏi chợ đầu mối. Đồng thời ông cũng đề nghị các chợ đầu mối chủ động đầu tư, kết nối về công nghệ trong hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong xử lý nước thải, kiểm tra chất lượng nông sản.

Chi Lê

Nên đọc