“Săn” ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất

(NTD) - Tín dụng cho vay bất động sản đang có xu hướng bị siết đồng nghĩa với việc lãi suất có thể tăng. Trước khi điều đó xảy ra, người tiêu dùng vội vàng “săn” ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất.

Standard Chartered đang có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất.

Tín dụng bất động sản là một trong những mảng không thể thiếu được tại tất cả các ngân hàng. Tuy nhiên, mỗi đơn vị lại có chính sách cho vay khác nhau. Có nơi khá chặt chẽ với khách hàng nhưng có nơi lại “chiều” khách bằng biểu lãi suất tương đối “mềm”. Chúng tôi sẽ “điểm danh” những ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất.

Chiếm thị phần khá nhỏ trong thị trường tài chính Việt Nam, Standard Chartered xây dựng chiến lược theo xu hướng “bán buôn”. Khách hàng được quan tâm của Standard Chartered là những doanh nghiệp lớn, có lịch sử tín dụng tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa ngân hàng đến từ Anh quốc bỏ bê mảng bán lẻ.

Bất động sản là một trong các lĩnh vực Standard Chartered khá quan tâm. Vì vậy, ngân hàng này thực hiện chính sách áp dụng lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất thị trường. Khách hàng có cơ hội nhận mức lãi chỉ 6,49%/năm. Tuy nhiên, mức ưu đãi này chỉ tồn tại trong 12 tháng đầu. Tới 24 và 36 tháng sau, lãi suất sẽ là 7,49%/năm và 8,39%/năm. Con số 6,49%/năm sẽ bớt hấp dẫn hơn khi Standard Chartered có điều kiện cho vay và thẩm định hồ sơ khá khắt khe.

HongLeong Bank cũng không phải cái tên quen thuộc. Nhưng những ai muốn mua nhà bằng tiền nhà băng hoàn toàn “vui” với HongLeong Bank khi ngân hàng này cho vay với lãi suất chỉ 7,25%/năm. Nhưng cũng như Standard Chartered, HongLeong Bank chỉ cho khách hàng hưởng lãi suất thấp trong 1 năm đầu tiên. Sau đó, con số này tăng lên 7,75%/năm.

Trong top 3 ngân hàng có lãi suất cho vay thấp nhất chỉ có một đại diện trong nước. Đó là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 7,8%/năm áp dụng cho 12 tháng đầu tiên. Kể từ tháng thứ 13, lãi suất tăng lên 8,8%/năm.

Đứng sau BIDV là bộ đôi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với 7,9%/năm cho 6 tháng đầu tiên. VPBank tỏ ra có lợi thế hơn khi hết 6 tháng, lãi suất chỉ tăng lên 8,5%/năm thay vì 9,9%/năm của VIB.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Shinhan Bank và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cùng áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 8,1%/năm. Đứng ngay sau là Ngân hàng UOB với 8,17%/năm, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với 8,2%/năm...

Đứng ở nhóm ngân hàng cho vay với lãi suất khá cao là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 12,7%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với 11,5%/năm, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với 11%/năm, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank) với 10,25%/năm. Các đơn vị còn lại đều có mức lãi suất cho vay phổ biến từ 8,5%/năm tới 10%/năm.

Trong nhiều tháng gần đây, mức lãi suất cho vay bất động sản không có biến động lớn. Trong đó, các ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách lãi suất cho vay thấp nhất. Sau đó đến các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, tới đây, mặt bằng lãi suất có thể tăng lên khi tín dụng cho vay bất động sản, đặc biệt là phân khúc cao cấp sẽ bị siết.

Cụ thể, hồi giữa tháng 4 năm nay, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo lấy ý kiến với thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Một trong những điểm được chú ý là thay đổi quy định về hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản.

Theo dự thảo mới, hệ số rủi ro mà các ngân hàng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng sẽ là 150%. Điều đó có nghĩa Ngân hàng Nhà nước gián tiếp yêu cầu ngân hàng dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, nội dung này cũng nhằm kiểm soát cho vay cá nhân liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp.

Nếu dự thảo này được thông qua, nguồn vốn dành cho bất động sản sẽ bị giảm sút dẫn đến áp lực phải tăng lãi suất cho vay mua nhà.

Vy Vy

 
Nên đọc