Sàn HOSE: Cổ phiếu ngân hàng chiếm đến 39,7% vốn hóa

(CL&CS) - Từ đầu năm 2024 đến ngày 19/2/2024, cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường chứng khoán giúp chỉ số VN-Index tăng 8,4%. Hiện nay, 17 ngân hàng niêm yết tại HOSE có vốn hóa đến 1.966.986 tỷ đồng, chiếm 39,7% sàn HOSE.

Nam A Bank sẽ là ngân hàng thứ 18 niêm yết cổ phiếu tại HOSE.

Hiện nay, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Trong đó, toàn bộ 17 ngân hàng niêm yết tại HOSE đều có vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Như vậy, sự biến động cổ phiếu ngân hàng tác động rất mạnh đến chỉ số VN-Index lẫn VN30, ảnh hưởng đến tâm lý toàn thị trường.

Nhóm VN30 có đến 13 cổ phiếu ngân hàng. Đó là: VCB, BID, CTG, VPB, TCB, MBB, ACB, HDB, STB, SSB, VIB, SHB, TPB được xếp theo thứ tự vốn hóa từ cao xuống thấp.

Chỉ 4 cổ phiếu ngân hàng niêm yết tại HOSE chưa lọt vào nhóm VN30 là LPB, EIB, OCB, MSB. Trong đó, LPB có khả năng lọt vào rổ VN30 trong kỳ review sắp tới khi vốn hóa đang ở vị trí 27 sàn HOSE.

Nguyên nhân khiến vốn hóa ngành ngân hàng “áp đảo” phần còn lại do lợi nhuận năm 2023 rất khả quan. Toàn bộ 17 ngân hàng niêm yết ghi nhận 247.824 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 4,4% (+10.419 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt nhất là lãi suất huy động đã giảm rất mạnh giúp chi phí huy động vốn (COF) thấp và được dự báo tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Điều này giúp biên lãi ròng (NIM) được cải thiện, nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng.

Vốn hóa của 17 ngân hàng niêm yết tại HOSE (đơn vị tính: tỷ đồng).

Hiện nay, cổ phiếu của 3 ngân hàng có vốn của Ngân hàng Nhà nước chia nhau 4 vị trí dẫn đầu vốn hóa thị trường là VCB (vốn hóa 504.136 tỷ đồng), BID (281.031 tỷ đồng), CTG (190.098 tỷ đồng). Xen vào 3 cổ phiếu này là VHM với vốn hóa 198.341 tỷ đồng. Đây là những ngân hàng niêm yết có tổng tài sản, tiền gửi của khách hàng, cho vay khách hàng lớn nhất thị trường.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 7 cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa đạt trên 100.000 tỷ đồng. Ngoài VCB, BID, CTG kể trên, còn có VPB (157.092 tỷ đồng), TCB (137.026 tỷ đồng), MBB (124.877 tỷ đồng) và ACB (107.588 tỷ đồng).

Các cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa dưới 100.000 tỷ đồng gồm: HDB (67.541 tỷ đồng), STB (57.876 tỷ đồng), SSB (57.526 tỷ đồng), VIB (55.810 tỷ đồng), LPB (45.270 tỷ đồng), SHB (43.433 tỷ đồng), TPB (41.391 tỷ đồng), EIB (32.728 tỷ đồng), OCB (32.363 tỷ đồng) và MSB (31.200 tỷ đồng).

Vốn hóa 10 cổ phiếu ngân hàng niêm yết tại HNX và đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM (đơn vị tính: tỷ đồng).

Có 10 ngân hàng niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với tổng vốn hóa 77.428 tỷ đồng. Trong đó, vốn hóa của NAB đạt 17.458 tỷ đồng - cao nhất nhóm này. Cổ phiếu NAB sẽ có phiên giao dịch cuối cùng tại UPCoM vào 28/2 và phiên giao dịch đầu tiên tại HOSE vào 8/3.

Ngoại trừ BAB có vốn hóa 11.378 tỷ đồng thì 8 cổ phiếu ngân hàng còn lại đều có vốn hóa dưới 10.000 tỷ đồng. Đó là PGB, ABB, NVB, BVB, VBB, KLB, VAB, SGB.

Như vậy, vốn hóa của 27 ngân hàng niêm yết vào lúc đóng cửa ngày 19/2/2024 có giá trị 2.044.414 tỷ đồng.

Các thông tin của 27 cổ phiếu ngân hàng: vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản vào thời điểm 31/12/2023; lợi nhuận trước thuế năm 2023; vốn hóa thị trường tại thời điểm đóng cửa 19/2/2024 (đvt: tỷ đồng).

TIN LIÊN QUAN