Sân bay thứ 2 vùng Thủ đô: Cả 4 tỉnh/TP đều hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển

Bốn vị trí dự kiến xây dựng sân bay thứ hai vùng Thủ đô đều chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển nhờ các điều kiện hội tụ.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, đến năm 2050, nước ta sẽ có 33 cảng hàng không (hiện cả nước có 22 sân bay đang khai thác).

Trong đó, vùng Thủ đô được quy hoạch xây dựng cảng hàng không thứ 2, nằm ở phía Nam và Đông Nam, nhằm giảm tải cho sân bay quốc tế Nội Bài sau năm 2050.

Theo dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 33 cảng hàng không. Ảnh minh hoạ

Hiện nay có 4 vị trí đã từng được đề xuất, xem xét để xây dựng sân bay thứ hai của vùng Thủ đô.

Huyện Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương)

Huyện Thanh Miện và Bình Giang của tỉnh Hải Dương là một trong những địa điểm được đề xuất xây dựng cảng hàng không thứ 2 cho vùng Thủ đô.

Đây cũng là khu vực từng được Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đưa ra ý tưởng xây dựng cảng hàng không quốc tế vào khoảng 20 năm trước, nhưng chưa thể thực hiện.

Bị trí xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô tại Hải Dương. Ảnh: Internet

Khu vực được đề xuất thuộc địa bàn thôn An Lâu, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện với đặc điểm chủ yếu là các cánh đồng ruộng lớn.

Hiện nay, kinh tế của huyện Thanh Miện và Bình Giang vẫn phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Nếu được xây dựng sân bay tại đây, dự án sẽ tạo điểm nhấn quan trọng cho hai huyện và cả tỉnh Hải Dương.

Huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng)

Mặc dù không nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, nhưng vào tháng 3/2021, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã đề xuất quy hoạch Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế thứ 2 cho vùng Thủ đô.

Vị trí sân bay dự kiến nằm tại huyện Tiên Lãng, gần bãi biển Vinh Quang, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 40km và sân bay quốc tế Cát Bi 35km.

Vị trí sẽ xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô tại TP. Hải Phòng. Ảnh: Internet

Đề án xây dựng sân bay quốc tế Tiên Lãng nằm trong Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, với diện tích dự kiến khoảng 1.150ha và vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Khu vực này hiện chủ yếu là đất ven biển, có ít nhà dân và một số nhà tạm.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, vị trí tại Tiên Lãng được đánh giá hội tụ đủ các điều kiện lý tưởng: không cần di dời dân, thuận lợi trong việc kết nối giao thông với Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định cùng với chi phí giải phóng mặt bằng khả thi.

Huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam)

Huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cũng nằm trong danh sách các địa phương được đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô.

Khu vực dự kiến sẽ xây dựng sân bay tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Hà Nam, quỹ đất dự kiến khoảng 13,5km2 tại xã Đạo Lý và xã Đức Lý hiện không còn đảm bảo, do khu vực này đã được quy hoạch cho nhiều khu công nghiệp và đô thị, trong đó có một số dự án đang triển khai.

Bên cạnh đó, khu vực dự kiến có dân cư đông đúc, do đó UBND tỉnh Hà Nam đề nghị các đơn vị tư vấn nghiên cứu và đánh giá để đề xuất vị trí khả thi hơn.

Huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa (TP. Hà Nội)

Trong Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề xuất xây dựng sân bay thứ hai tại huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa. Vị trí này nằm phía Bắc trục cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, thuộc các xã Tân Dân, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) và xã Đồng Tân, Minh Đức, Trung Tú (huyện Ứng Hòa).

Khu vực dự kiến sẽ xây dựng sân bay tại Ứng Hoà, Hà Nội. Ảnh: Internet

Phương án 2A có diện tích dự kiến khoảng 17km2.

Việc xây dựng sân bay tại vị trí này nằm trên trục không gian phía Nam, giúp kết nối đô thị trung tâm và liên kết với đô thị công nghiệp Phú Xuyên, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam.

Trước đó, phương án 1 đã đề xuất xây sân bay tại xã Tân Ước, Thanh Vân (huyện Thanh Oai) và xã Tiền Phong, Tân Minh (huyện Thường Tín) với diện tích khoảng 13km2.

Tuy nhiên, phương án này cần giải phóng mặt bằng cho 5.000 người và hơn 52ha đất làng xóm.

Phối cảnh sân bay thứ 2 vùng thủ đô giúp "chia lửa" cho sân bay Nội Bài. Ảnh minh hoạ

Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm TP. Hà Nội cùng một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận theo quyết định của Chính phủ.

Các tỉnh và thành phố thuộc Vùng Thủ đô gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang và Thái Nguyên.