SaigonBank: Vừa “mất” hơn 3.000 tỷ đồng, sẽ còn hao hụt nữa?

(CL&CS) – Dù mới chào sàn nhưng cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) liên tục sụt giảm. Đà giảm này có thể chưa kết thúc.

Trong phiên đầu tiên trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) giảm sàn khiến vốn hóa thị trường giảm sâu. Nhưng có thể SaigonBank sẽ còn hao hụt thêm.

“Bốc hơi” hơn 3.000 tỷ đồng

Ngày 15/10/2020, cổ phiếu SGB của SaigonBank bắt đầu giao dịch trên UpCOM trước sự… xôn xao của giới đầu tư. SGB gây chú ý vì áp dụng mức giá tham chiếu được đánh giá là quá cao, lên đến 25.800 đồng/CP, cao hơn nhiều so với nhiều cổ phiếu ngân hàng tiềm năng khác.

Chính vì vậy, việc SGB giảm sàn trong phiên đầu tiên là điều đã được dự báo trước. Đóng cửa phiên 15/10, SGB dừng trong sắc xanh hòa bình khi còn 15.500 đồng/CP sau khi giảm 10.300 đồng/CP, tương đương 40%. Đà giảm này của SGB khiến vốn hóa thị trường SaigonBank “bốc hơi” 3.172 tỷ đồng.

Tới phiên 16/10, SGB không có được một giây phút nào giao dịch trong sắc xanh. Suốt phiên, áp lực bán ra cao hơn lực cầu nên SGB được mua bán trong sắc đỏ. Mức giá thấp nhất là SGB rơi xuống là 15.000 đồng/CP. Như vậy, sau gần 2 phiên đầu tiên, SGB giảm 10.800 đồng/CP khiến vốn hóa thị trường SaigonBank hao hụt 3.326 tỷ đồng.

Không chỉ thất bại về điểm số, SGB còn thất bại về thanh khoản. SGB có tới 308 triệu cổ phiếu lưu hành trên thị trường nhưng hôm qua, chỉ có 659.800 cổ phiếu SGB được trao tay thành công. Tới sáng nay, khi kết thúc đợt sáng, mới chỉ có 130.000 cổ phiếu được chuyển tên chủ sở hữu.

Sếp lớn bán ra

SGB trong bối cảnh giá tham chiếu bị các nhà đầu tư đánh giá là quá cao. Ngay cả khi giảm sàn xuống 15.500 đồng/CP, SGB vẫn bị xem là “đắt”. Trong bối cảnh đó, hai sếp lớn tại SaigonBank đăng ký thoái vốn khỏi ngân hàng.

Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Lũy, Phó Tổng giám đốc SaigonBank đã đăng ký bán gần 248.000 cổ phiếu SGB, tương đương 0,08% vốn điều lệ ngân hàng.

Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong thời gian từ ngày 15/10-15/11. Nếu giao dịch thành công, ông Lũy sẽ thu về gần 4 tỷ đồng và không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu SGB nào.

Cùng với ông Lũy, một Phó Tổng giám đốc khác của Saigonbank là ông Phạm Hoàng Hồng Thịnh cũng đăng ký bán toàn bộ gần 107.000 cổ phiếu của mình. Lượng cổ phiếu này dự kiến được giao dịch trong thời gian từ ngày 12/10-12/11. Nếu giao dịch thành công, ông Thịnh có thể thu về khoảng 1,6 tỷ đồng.

Trước đó, ông Thịnh đã đăng ký bán số cổ phiếu trên trong thời gian từ ngày 24/7-24/8 nhưng không thành công.

Sẽ còn “hao hụt”?

SGB liên tục sụt giảm khiến vốn hóa thị trường SaigonBank “bốc hơi” hơn 3.000 tỷ đồng. Và đà “bốc hơi” có thể chưa dừng lại cho đến khi SGB chạm xuống mức giá hợp lý.

Vậy đâu là mức giá hợp lý của SGB?

Gần đây, nhiều ngân hàng đã thoái vốn thành công tại SGB với mức giá hơn 20.000 đồng/CP. Với các chuyên gia, đây vẫn là mức giá quá cao, dù thấp hơn khá nhiều so với giá tham chiếu 25.800 đồng/CP mà ngân hàng áp dụng khi lên sàn.

Còn trên thị trường OTC, trước khi SGB “lên sàn”, các lệnh chào bán, chào mua SGB đã xuất hiện khá nhiều. Theo đó, mức giá cao nhất chỉ là 12.500 đồng/CP. Lệnh đặt bán gần nhất này xuất hiện trong ngày 25/9/2020. Với mức giá này, cổ phiếu SGB phải giảm thêm 2.500 đồng/CP nữa. Tương ứng với mức giảm này là vốn hóa thị trường SaigonBank hao hụt thêm 770 tỷ đồng.

Trước đó nữa, trong tháng 8 /2020, lệnh chào bán SGB phổ biến từ 10.000 - 11.000 đồng/CP. Ở mức giá 10.000 đồng/CP, SGB phải giảm thêm 5.000 đồng/CP. Điều đó đồng nghĩa với việc vốn hóa thị trường SaigonBank sẽ “bốc hơi” thêm 1.540 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN