Sacombank tháo “nút thắt” khi ông Trầm Bê và con trai rời ngân hàng

(NTD) - Việc ông Trầm Bê và con trai chính thức rời Sacombank là một tín hiệu đáng mừng cho ngân hàng trong năm 2017, khi việc bầu cử HĐQT mới sau khi SouthernBank sáp nhập vào Sacombank sẽ được diễn ra vào tháng 4 tới đây.

Ông Trầm Bê và con trai chính thức rời Sacombank

Tính từ thời điểm có thông tin về việc ông Trầm Bê sẽ thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, đến nay đã gần 2 năm mới có quyết định chính thức từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo NHNN, ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc chấm dứt vai trò quản trị điều hành đối với Ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện Phương án tái cơ cấu Ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gắn với Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, Phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Sacombank như tháo “nút thắt” khi ông Trầm Bê và con trai rời ngân hàng. Ảnh: NTD

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức Đại hội đồng cổ đông trong tháng 4 năm 2017 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, ổn định tình hình tổ chức và phát triển hoạt động Sacombank, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Năm 2016 là năm khá đặc biệt của Sacombank khi ngân hàng không tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên. Sacombank đã chốt danh sách cổ đông để tham gia Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 vào ngày 14/3/2016. Đến ngày 26/4/2016, Sacombank ra thông báo ngân hàng sẽ tổ chức đại hội vào tháng 6/2016 thay vì trong tháng 4/2016 theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng do trong năm 2015 Sacombank đã thực hiện sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) và chờ hướng dẫn, phê duyệt Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập của Ngân hàng Nhà nước.

Được biết, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của Sacombank rất quan trọng vì diễn ra trong bối cảnh ngân hàng sau sáp nhập với Southern Bank và bầu thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2016-2020. Ngày 26/5/2016, Sacombank đã ra thông báo đề cử, ứng cử nhân sự làm thành viên HĐQT, BKS nhưng tới nay, Sacombank vẫn chưa thông báo danh sách ứng cử này cho cổ đông biết.

Mặc dù có thông tin ông Trầm Bê với nguyện vọng cá nhân đã xin thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT của Sacombank, tuy nhiên sau đó ông vẫn điều hành tại ngân hàng này cho đến hết tháng 12/2016 ông mới không quay trở lại làm việc tại đây.

Như vậy, tính đến ngày 24/2/2017, khi NHNN chính thức quyết định buộc ông Trầm Bê và con trai rời chức vụ tại Sacombank và ra chỉ đạo ngân hàng này khẩn trương tổ chức ĐHCĐ thường niên trong tháng 4 này là tín hiệu đáng mừng cho cổ đông ngân hàng. Cũng có thể ngầm hiểu rằng, việc ông Trầm Bê rời Sacombank như tháo được “nút thắt” bấy lâu trong việc bầu cử nhân sự mới làm thành viên HĐQT trong nhiệm kỳ mới.

Còn nhớ, vào thời điểm ngày 11/11/2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã thông tin về việc ông Trầm Bê chính thức thôi giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Sacombank theo nguyện vọng cá nhân.

Việc ông rời ghế tại Sacombank đã được thông báo trước đó vào tháng 8/2015, rằng ông sẽ không tham gia quản trị điều hành ngân hàng sau sáp nhập Sacombank và SouthernBank. Cụ thể, ông đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ Southern Bank, Sacombank, sau khi nhận sáp nhập Southern Bank đối với toàn bộ số cổ phần tại Southern Bank, Sacombank và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan. 

Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, cũng như sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập, đảm bảo ngân hàng này hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu của hai ngân hàng. Ông Trầm Bê cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ, thì sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông.

Bí ẩn “Trầm Bê”

Ông Trầm Bê càng trở nên nổi tiếng khi thông tin Sacombank và SouthernBank chính thức sáp nhập. Nhiều thông tin cho rằng, khi thông tin SouthernBank sáp nhập vào Sacombank ngay trong năm 2014 mặc dù khá bất ngờ nhưng lại là một ván cờ đã được toan tính từ lâu. Quá trình đó diễn ra trong bối cảnh cơ cấu HĐQT trong suốt cả năm qua mang bóng dáng của một SouthernBank mà đứng đằng sau đó là "nhạc trưởng" Trầm Bê.

SouthernBank, nơi ông Trầm Bê và các con sở hữu tỉ lệ trên 20% cổ phần, đã trải qua giai đoạn bết bát trước khi có quyết định chính thức sáp nhập Sacombank. Ngân hàng này bị cổ đông nghi ngờ lợi nhuận thấp do nợ xấu quá cao, các khoản phải thu lớn. 

Trong năm 2014, Southern Bank lãi vỏn vẹn 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng; nợ xấu chiếm gần 6% trong tổng số hơn 43.000 tỷ đồng dư nợ. Lợi nhuận thấp nên sau khi trích lập các quỹ còn lại 1,2 tỷ đồng nên SouthernBank không thể chia cổ tức.

Sự xuống dốc của SouthernBank khiến cổ đông mất lòng tin song ông Trầm bê lại nổi danh trong vụ thâu tóm Sacombank đình đám và trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank cho đến ngày phải ủy quyền cho NHNN thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu. 

Theo số liệu ngày 31/12/2016, ông Trầm Bê sở hữu 27.650.619 cổ phiếu, ông Trầm Trọng Ngân (con trai ông Bê) sở hữu 89.182.687 cổ phiếu, bà Trầm Thuyết Kiều (con gái ông Bê) sở hữu 27.046.050 cổ phiếu, ông Trầm Khải Hòa (con trai) sở hữu 33.348.285 cổ phiếu, ông Lê Trọng Trí (con rể) sở hữu 2.067.853 cổ phiếu. Như vậy, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 179.295.494 cổ phiếu, tương đương 9,94% vốn điều lệ của Sacombank

Ánh Hoa

Nên đọc