Rộng cửa cho liên kết doanh nghiệp

(CL&CS) - Việc kết nối các trung tâm kinh tế lớn với các địa phương không chỉ tăng khả năng liên kết vùng cho các doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động thương mại, xuất khẩu mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những ngày cuối năm 2023, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội đã tổ chức Không gian triển lãm, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cùng thời điểm này, Hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM với 45 tỉnh, thành phố năm 2023 cũng được tổ chức. Tương tự, nhiều địa phương khác cũng đã tổ chức các sự kiện kết nối, giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp.

Các chương trình này không chỉ giúp doanh nghiệp trên địa bàn 2 “đầu tàu” kinh tế Hà Nội và TPHCM cùng các địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác mà còn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp trao đổi học tập kinh nghiệm, tìm kiếm, mở rộng thị trường, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, vấn đề liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng đã liên tục được nhắc đến, nhất là trước bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, với nhiều địa phương, các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền… đạt tiêu chuẩn về chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng luôn cần thị trường đầu ra cả trong nước và quốc tế.

Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các địa phương đã hiểu rõ hơn về nhu cầu và yêu cầu từ thị trường nên tập trung đầu tư cho cơ sở sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, vùng sản xuất bền vững. Các nhà sản xuất còn đầu tư và chuẩn bị kỹ ở cả khâu bao bì, mẫu mã, các loại chứng nhận cùng sự chuyên nghiệp trong hoạt động giao thương, ký kết hợp đồng với đối tác…Nhờ đó, sản phẩm có sự tiến bộ rất lớn về chất lượng và số lượng.

Đây là những yếu tố cần và đủ để sản phẩm đặc trưng theo vùng miền được mở rộng thị trường. Nhưng các doanh nghiệp này vẫn cần sự đa dạng kết nối, nhất là kết nối trực tiếp với đối tác trong nước và quốc tế để tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững. Do vậy, vấn đề này cần sự vào cuộc của nhiều bên để tăng cường liên kết vùng, từ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao chất lượng mô hình sản xuất đến việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá kinh doanh…

TIN LIÊN QUAN