Ra mắt vào năm 1987, Robocop của đạo diễn Paul Verhoeven đã tạo sự chấn động bởi nội dung và cách thể hiện ấn tượng về thế giới tương lai, nơi một nhóm nhà khoa học chế tạo ra một robot từ chính cơ thể con người. Hơn 20 năm sau, hãng Sony quyết định làm lại bộ phim với sự trợ giúp của kỹ xảo hiện đại và đắp lên nó những lớp nghĩa mới để phù hợp với thời cuộc.
Phiên bản làm lại năm 2014 không hoàn toàn đi theo nội dung của bản năm 1987 mà chỉ cóp nhặt những nhân tố quan trọng nhất và đẩy nó theo một hướng hoàn toàn khác biệt. Lấy bối cảnh năm 2028 hiện đại, phim đi theo nhân vật Alex Murphy (Joel Kinnaman), một sĩ quan cảnh sát mẫu mực, lập nhiều thành tích trong việc bắt giữ tội phạm và đầy nhiệt huyết. Khi trở về nhà, Alex lại là người đàn ông của gia đình với người vợ xinh đẹp, ngọt ngào Clara Murphy (Abbie Cornish), cùng cậu con trai David Murphy.
Cuộc sống tuyệt vời của Alex Murphy đổ vỡ khi anh bị bọn tội phạm cài bom trả thù, khiến anh đứng giữa bờ vực sự sống và cái chết. Lúc này, OmniCorp – tập đoàn đa quốc gia sở hữu công nghệ robot hàng đầu thế giới, đề nghị gia đình anh biến Alex trở thành robot để giữ lấy sự sống. Không còn cách nào, Alex chấp nhận phải sống dựa vào chương trình phát triển robot, đồng thời được cung cấp tối đa sức mạnh để tiếp tục thực thi công việc trấn áp tội phạm, trở thành RoboCop (Cảnh sát người máy).
Với mức đầu tư 120 triệu USD, RoboCop được coi là siêu phẩm hành động đầu tiên của năm 2014 với những cảnh chiến đấu hoành tráng, những trang thiết bị vượt ngoài trí tưởng tượng. Jamie Price – chuyên gia giám sát kỹ xảo – cho biết phim sử dụng tới 1600 đến 1800 cảnh có hiệu ứng, đặc biệt là cảnh đấu súng với hơn 50 vũ khí trong bóng tối. Bộ phim đem tới những pha rượt đuổi đầy uy lực, những cảnh hành động không khoan nhượng giữa RoboCop và tội phạm, cũng như các robot khác.
Bên cạnh những vũ khí và robot hiện đại, một điểm độc đáo nữa của bộ phim là nhiều cảnh quay được thể hiện qua góc nhìn của chính RoboCop, khiến người xem có cảm giác như đang trực tiếp tham gia trải nghiệm với tư cách là nhân vật chính trong phim và đang được sử dụng những tính năng của bộ đồ RoboCop. Cùng với những cảnh phim nghẹt thở, những góc quay được thay đổi liên tục, bộ phim thực sự lôi cuốn người xem từ đầu đến cuối.
Tương tự những phim bom tấn hành động khác gần đây, dù tập trung mạnh vào những màn chiến đấu, RoboCop vẫn cố gắng dung hòa giữa hai yếu tố hành động và tâm lý. Bên cạnh Cảnh sát người máy dũng mãnh là người vợ Clara của anh. Những mâu thuẫn trong nội tâm của cô dường như lên đến đỉnh điểm khi phải đứng trước quyết định đồng ý hay không để OminiCorp biến chồng mình thành nửa người nửa máy.
Sau khi Alex trở thành RoboCop, Clara tiếp tục phải chống chọi trước dư luận, trước OmniCorp và nhiều thế lực khác để bảo vệ cậu con trai David Murphy. Những trường đoạn tình cảm được khai thác và điểm xuyết một cách khéo léo trong bộ phim. Dưới bàn tay của đạo diễn Jose Padilha, diễn biến tâm lý của các nhân vật trong phim được khắc họa một cách rõ nét và nhân văn, nhưng vẫn thiếu chiều sâu để tạo ra cảm xúc mạnh mẽ.
Phần đầu của phim tốn hơi nhiều thời gian cho những câu chuyện xung quanh quyết định sáng tạo ra một loại robot mới. Vì vậy, các cảnh phim sau đó được giải quyết rất chóng vánh và thiếu kịch tính, đơn cử như việc RoboCop không đi truy quét tội phạm trên đường phố sau khi hạ gục một người ở nơi công cộng, mà lại chỉ chăm chăm tìm hiểu về vụ án của chính mình.
Để rồi, một đoạn kết chắp vá được sử dụng khi đột nhiên RoboCop khám phá ra bí mật của mình và lao xe đi giải quyết. Sự rề rà của phần đầu đã kéo tuột mạch phim xuống, khiến sự vội vã cuối phim trở nên kệch cỡm, theo kiểu “cố cho xong, cho kịp thời lượng”, làm người xem chưa cảm nhận hết được sự anh hùng của RoboCop.
Việc đầu tư mạnh vào phần đầu phim cũng có một chút ý nghĩa, là tạo tiền đề cho một phần hấp dẫn nhất của bộ phim – những xung đột giữa phần người và phần máy trong chính RoboCop. Tập đoàn OminiCorp đã thiết lập một hệ thống nhằm thao túng những hành động và quyết định của RoboCop, lấy đi những cảm xúc của anh và biến anh thành một “cỗ máy có nhận thức”.
Tuy vậy, hành trình Alex vượt qua sự thao túng đó để đưa ra quyết định của bản thân trở nên sáo mòn với cảnh tiêu diệt kẻ chủ mưu trên sân thượng tòa nhà OminiCop. Bộ phim trở nên “sến” hơn nhiều so với mục đích ban đầu là tạo ra một phim anh hùng bất khuất đậm chất Hollywood.
Một cú chuyển hướng mới so với bản gốc năm 1987 là việc xây dựng MC Pat Novak (Samuel L. Jackson) để đẩy lên thành một tuyến nhân vật quan trọng, có tác dụng lèo lái diễn tiến phim. Đây là một cách để đạo diễn tạo ra sự châm biếm, chỉ trích nhẹ về thói tự tôn quá đáng của nước Mỹ, bằng cách đem robot đầy nguy cơ ấy đi khắp nơi để “tạo ra” hòa bình thế giới, nhưng lại sợ hãi chúng có thể gây hại trên nước mình. Diễn xuất tốt của Samuel trong vai phụ này tạo ra một lớp nghĩa mới cho bộ phim vốn không thành công trong việc truyền tải câu chuyện chính.
Nếu khán giả đang tìm kiếm một bộ phim giải trí thỏa mãn phần nghe nhìn vào dịp cuối tuần, thì RoboCop là một lựa chọn hợp lý. Với phần kỹ xảo đỉnh cao, những pha hành động mạnh, bộ phim chắc chắn sẽ làm người xem hài lòng. Phim chưa thực sự chặt chẽ và hấp dẫn về nội dung nhưng RoboCop lại có nhiều lớp ý nghĩa khác về chính trị, xung đột máy móc – con người, tư tưởng Mỹ mà nhiều người có thể tò mò muốn khám phá.
RoboCop (Cảnh sát người máy) khởi chiếu tại Việt Nam từ hôm 28/2.
Ông Hồng
Nguồn: vnexpress.net