Quy mô thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều biến động sau 10 năm. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản Việt Nam trong vòng 10 năm qua chia làm 4 giai đoạn: Từ 2009-2010 là giai đoạn phát triển nóng của thị trường, hầu hết các phân khúc bất động sản đều tăng trưởng nóng chủ yếu do nới lỏng tín dụng.
Giai đoạn 2011-2013 là giai đoạn trầm lắng, đóng băng, do ngân hàng siết chặt nguồn vốn và tiêu chuẩn tín dụng cho vay bất động sản.
Giai đoạn 2014-2019 là giai đoạn phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản, do giai đoạn này Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng phù hợp kể kiểm soát và tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay có biểu hiện chững lại ở một số phân khúc do mất cân đối cung cầu và điều kiện tín dụng.
Cũng theo ước tính cả nước đã, đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án, tổng mức đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2009).
Cơ cấu sản phẩm đã có nhiều thay đổi và ngày càng phong phú. Ngoài nhà ở thương mại còn có nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch, văn phòng, trung tâm thương mại. Hiện tại trong 5.000 dự án nhà ở thì có hơn 1.000 dự án nhà ở xã hội với hơn 85.000 căn; có khoảng 16.500 căn officetel, hơn 39.100 căn hộ du lịch. Có 362 khu công nghiệp với hơn 95.000ha đất, có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú; có 6 triệu m2 văn phòng cho thuê (tăng gấp 3 năm 2009).
Diện tích nhà ở bình quân tăng gần 1,4 lần (từ 16,7m2 lên 23,2m2). Tổng diện tích nhà ở toàn quốc tăng 1,6 lần (từ 1,4 tỷ m2 lên khoảng 2,3 tỷ m2), bình quân mỗi năm tăng khoảng 60 triệu m2.
Theo số liệu thống kê Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 31/21/2019, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản là 521.822 tỷ đồng (chiếm 15,9% tổng dư nợ tín dụng); Bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn quốc tế).
Theo Bộ Xây dựng, tính trong 5 năm gần đây, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt 17,63 tỷ USD, luôn đứng thứ 2 trong tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam (chỉ đứng sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo cơ khí).
Tính đến năm 2019, cả nước có khoảng 10.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản (tăng 2,3 lần so với năm 2010). Ngoài ra, còn có hơn 1.000 sản phẩm giao dịch bất động sản đã thành lập.
Với tổng diện tích khoảng 330.000 km2, thị trường bất động sản Việt Nam được dự kiến ước đạt 21 tỉ USD năm 2021, chiếm 0,1% quy mô thị trường bất động sản toàn cầu. Trong khi đó, nước láng giềng Singapore chỉ có khoảng 700km2 diện tích, nhưng thị trường bất động sản quốc gia này lại được PGIM tính toán sẽ sở hữu 241 tỉ USD, chiếm tới 0,8% tổng giá trị bất động sản toàn cầu, cùng thời điểm 2021. |
Nguyễn Ngọc