Ngày 5/4, Quy hoạch tổng thế phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã chính thức được công bố. Lãnh đạo 13 tỉnh, thành trong khu vực cùng nhiều công ty lữ hành, khách sạn đã đến dự hội nghị.
Sông nước được xác định là sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng ĐBSCL. |
Quy hoạch đã xác định 2 không gian phát triển du lịch ĐBSCL là phía Tây gồm 7 tỉnh và phía Đông 5 tỉnh, với sản phẩm đặc trưng từng không gian. Đặc biệt trong thời gian tới, các tỉnh thành sẽ tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia, gồm: Thới Sơn (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn - Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim - Láng Sen (Đồng Tháp, Long An ), Núi Sam (An Giang).
Quy hoạch cũng nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của từng tỉnh thành trong vùng để tránh chồng chéo. Cụ thể, TP Cần Thơ và đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng. TP Mỹ Tho (Tiền Giang) là vệ tinh. Theo quy hoạch, Bến Ninh Kiều sẽ được đầu tư thành một trong 7 điểm du lịch quốc gia, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Quy hoạch nhằm phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, khẳng định vị trí quan trọng của Vùng đối với du lịch Việt Nam. Từng bước nâng cao vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đồng bằng sông Cửu Long với cả nước và quốc tế.
Thiên Lăng
.