Quy định của Liên Hợp Quốc (UN) về hệ thống ghế an toàn cho trẻ em (CRS) trên xe ô tô

(CL&CS) - Hệ thống ghế an toàn cho trẻ em (Child Restraint Systems) (CRS) phải đáp ứng các tiêu chuẩn để đảm bảo mang lại hiệu quả bảo vệ khi sử dụng

Trẻ sơ sinh và trẻ em là những đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương nhất. Theo nghiên cứu, việc sử dụng ghế an toàn cho trẻ em phù hợp và lắp đúng cách có thể giúp giảm ít nhất 60% số ca tử vong ởtrẻ em. Một đánh giá có hệ thống từ Hoa Kỳ cho thấy sử dụng ghế nâng có liên quan đến việc giảm 19% chấn thương không tử vong khi so sánh với trẻ em ở độ tuổi này chỉ sử dụng dây an toàn ở phía sau xe.

Bên cạnh đó, việc giữ trẻ em ở ghế sau xe cũng làm giảm chấn thương. Tuy nhiên, hệ thống ghế an toàn cho trẻ em (Child Restraint Systems) (CRS) phải đáp ứng các tiêu chuẩn để đảm bảo mang lại hiệu quả bảo vệ khi sử dụng. Tại Việt Nam, Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 đã quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.

1. Hệ thống ghế an toàn cho trẻ em là gì ?

Hệ thống ghế an toàn cho trẻ em (Child Restraint Systems) (CRS) là thiết bị có khả năng hỗ trợ trẻ em ngồi hoặc nằm ngửa. Thiết bị này được thiết kế để giảm nguy cơ thương tích cho người ngồi trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc xe giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế khả năng di chuyển của cơ thể trẻ.

Hệ thống ghế an toàn cho trẻ em (Child Restraint Systems) (CRS) không thể ngăn ngừa va chạm, nhưng có thể giảm hậu quả của va chạm bằng cách giữ trẻ em ngồi trên ghế và ngăn trẻ va chạm với nội thất xe hoặc bị văng ra khỏi xe và phân bố lực va chạm lên cơ thể trẻ. CRS được thiết kế để phù hợp với các giai đoạn phát triển của trẻ em và phù hợp kích thước và cân nặng của trẻ. Hiện nay, có hai quy định của Liên Hợp Quốc (UN) đang có hiệu lực đồng thời là UNECE R 44và UNECE R 129.

2. Các quy định của Liên Hợp Quốc (UN) đối với Hệ thống ghế an toàn cho trẻ em (CSR)

Quy định UNECE R 44 (UN Regulation No 44) quy định sự an toàn của ghế ngồi cho trẻ em trên xe ô tô. Hệ thống ghế an toàn cho trẻ em được phê duyệt theo UNECE R 44 được phân loại thành năm nhóm cân nặng, gồm: nhóm 0 (từ sơ sinh đến 10kg), nhóm 0+ (từ sơ sinh đến 13kg), nhóm 1 (từ 9 đến 18kg), nhóm 2 (từ 15 đến 25kg) và nhóm 3 (từ 22 đến 36kg).

Đối với trẻ em nặng tới 13 kg, ghế hướng về phía sau. Đối với nhóm trẻ em nặng tới 18 kg, các hệ thống ghế an toàn cho trẻ em này có hệ thống dây an toàn tích hợp hoặc tấm chắn va chạm. Các nhóm dành cho trẻ em nặng hơn tới 36 kg chủ yếu sử dụng dây an toàn của xe để neo giữ.

Nhãn quy định phù hợp UNECE R 44.

Quy định UNECE R 129 (UN Regulation No 129): Hệ thống ghế an toàn cho trẻ em được phê duyệt theo Quy định số 129 của UNECE, được gọi là hệ thống “i-Size”, phân loại theo kích thước của trẻ. Từ khi mới sinh đến 15 tháng tuổi, bắt buộc hệ thống ghế CRS phảihướng về phía sau. Hệ thống ghế an toàn cho trẻ em “i-Size” được lắp đặt bằng cách sử dụng điểm neo ISOFIX và dây đai trên cùng hoặc chân đỡ được sử dụng làm điểm neo thứ ba để tăng cường độ ổn định.

Các hệ thống ghế an toàn cho trẻ em này có thể sử dụng chung trên các ghế có ký hiệu “i-Seat”. Ngoài kích thước cơ thể của trẻ, trọng lượng phù hợp tối đa của trẻ được ghi trên nhãn phê duyệt. Hệ thống ghế an toàn cho trẻ em “i-Size” dành riêng cho một số loại xe nhất định mà loại phổ thông không phù hợp.

Nhãn quy định phù hợp ECE R 129 (i-Size).

Để giảm nguy cơ chấn thương nghiêm trọng trong trường hợp tai nạn, điều quan trọng là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi phải được đặt ngược chiều lái xe trong thời gian lâu nhất có thể. So với trẻ lớn và người lớn, trẻ em có cơ cổ yếu hơn khi phải mang một cái đầu tương đối to và nặng. Việc chuyển sang ghế an toàn cho trẻ em (CRS) hướng về phía trước quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương nghiêm trọng ở cột sống cổ trong trường hợp tai nạn.

Quy định mới của Liên Hợp Quốc số 129 (UNECE R 129), còn được gọi là "Quy định i-Size", đã được xây dựng để giải quyết tốt hơn các vấn đề như đã mô tả ở trên. Quy định này được Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc về châu Âu (UNECE) xây dựng với mục tiêu tăng cường an toàn cho trẻ em ở châu Âu. 

UNECE R 129 sử dụng thông số về chiều cao của trẻ thay vì cân nặng. Cách sử dụng thông số chiều cao này được thiết kế để giúp cha mẹ dễ dàng lựa chọn ghế ngồi ô tô phù hợp từng giai đoạn phát triển của trẻ. Mục đích chính của quy định mới là tạo ra một CRS ISOFIX phổ thông "lắp là chạy" phù hợp với vị trí ngồi tương ứng trong xe. CRS được sản xuất dựa trên Quy định "i-Size" mới cung cấp những cải tiến lớn sau đây cho việc vận chuyển trẻ em trên ô tô:

• Yêu cầu vị trí quay mặt về phía sau của trẻ em tối thiểu là 15 tháng tuổi, thay vì 9 tháng như quy định hiện hành UNECE R 44. Điều này sẽ bảo vệ tốt hơn cho phần đầu và cổ đang phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bằng cách yêu cầu trẻ em phải được vận chuyển quay mặt về phía sau cho đến khi được 15 tháng tuổi.

• Yêu cầu quy trình thử nghiệm va chạm bên hông sẽ giúp bảo vệ đầu trẻ tốt hơn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Điều này không được quy định trong UNECE R 44.

• Các hình nộm thế hệ mới mô phỏng chính xác hơn các tác động thực tế của vụ va chạm lên cơ thể của trẻ em thật.

• Ít tùy chọn lắp đặt hơn chỉ với ISOFIX, giúp giảm nguy cơ ghế ngồi bị lắp không đúng cách vào ô tô. Hướng dẫn đơn giản để chọn đúng ghế cho trẻ em, bằng cách sử dụng chiều cao của trẻ làm hướng dẫn duy nhất.

• Tương thích tốt hơn giữa xe và CRS: CRS “i-Size” sẽ vừa với bất kỳ vị trí ngồi nào có sẵn “i-Size” trên xe ô tô (sẽ không còn cần danh sách lắp đặt xe nữa). Cả CRS và vị trí ngồi đều có thể được nhận dạng bằng logo “i-Size”.

Quy định UNECE R 129 được phát triển gồm ba giai đoạn:

• Giai đoạn 1 (i-Size): Dây đai an toàn tích hợp ISOFIX (CRS cho trẻ nhỏ, ISOFIX kèm theo) - Hoàn thiện và thông qua bởi WP.29 vào tháng 11 năm 2012, có hiệu lực vào ngày 9 tháng 7 năm 2013.

• Giai đoạn 2: CRS không tích hợp (ghế nâng [và đệm nâng]) (CRS cho trẻ lớn hơn) - Đang phát triển.

• Giai đoạn 3: Dây đai an toàn tích hợp CRS - vẫn đang được cân nhắc và thảo luận.

Các loại CRS khác nhau dựa trên độ tuổi và cân nặng/tầm vóc của trẻ được trình bày trong Bảng 1.

3. Các điều khoản tối thiểu đối với luật/quy định sử dụng CRS

Dựa trên bằng chứng hiện có về lợi ích của việc sử dụng CRS và gánh nặng thương tích ở trẻ em do không sử dụng CRS, WHO đã có chính sách khuyến nghị các yếu tố tối thiểu sau khi xây dựng luật/quy định sử dụng CRS:

• Yêu cầu trẻ em phải sử dụng hệ thống ghế an toàn cho trẻ em cho đến khi ít nhất 10 tuổi hoặc cao 135 cm.

• Hạn chế trẻ em ở độ tuổi quy định ngồi ở ghế trước của ô tô.

• Quy định hoặc tham chiếu tiêu chuẩn đối với CRS.

4. Một số thách thức trong quá trình triển khai

Hiện quy định số 44 của Liên Hợp Quốc (UNECE R 44) và quy định số 129 (UNECE R 129) có hiệu lực song song. Hiện tại, UNECE R 129 chỉ bao gồm các hệ thống ghế an toàn cho trẻ em ISOFIX tích hợp, nghĩa là những hệ thống được trang bị hệ thống dây an toàn riêng hoặc tấm chắn va chạm để giữ trẻ. Sau giai đoạn chuyển tiếp, trong đó UNECE R 44 sẽ được sửa đổi, ghế trẻ em ISOFIX sẽ chỉ được chấp thuận theo UNECE R 129. Các hệ thống ghế trẻ em được cố định bằng dây an toàn của xe hoặc trẻ được giữ bằng dây an toàn của xe vẫn chưa được đưa vào UNECE R 129. Các yêu cầu đối với hệ thống ghế trẻ em này đang được UNECE nghiên cứu, xây dựng.

Có một số thách thức đối với việc triển khai luật sử dụng CRS, cần được xem xét trong quá trình xây dựng luật. Việc giải quyết các thách thức này có thể cải thiện khi sẵn sàng triển khai cũng như sự tham gia của các bên liên quan. Các thách thức bao gồm:

• Thiếu sự công nhận hoặc hiểu biết về lợi ích an toàn của CRS đối với trẻ em.

• Nhận thức về sự bất công liên quan đến chi phí, khả năng tiếp cận và tính khả dụng của CRS và việc áp dụng CRS chỉ trong xe ô tô riêng hoặc các dịch vụ khác - ví dụ như taxi hoặc dịch vụ xe hơi khác.

• Sử dụng sai cách và sử dụng không phù hợp các loại ghế an toàn cho trẻ em, ví dụ: Chuyển giai đoạn quá sớm (ngừng sử dụng

CRS quá sớm hoặc chuyển nhóm trẻ từ loại ghế an toàn cho trẻ em này sang loại khác); Gắn cố định không đúng cách, ví dụ, dây đai lỏng lẻo hoặc không gắn chặt vào xe.

Tất cả những thách thức này làm giảm hiệu quả của CSR trong việc bảo vệ trẻ em trong trường hợp va chạm.

5. Các quy định của Việt Nam

Tại Việt Nam, Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 đã quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô. Cụ thể, khoản 3 Điều 10 của Luật quy định: Trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô-tô không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe (hàng ghế trước) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ loại xe ô-tô chỉ có một hàng ghế. 

Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, sử dụng và hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026. Nội dung Luật được đánh giá là một trong những bước tiến lớn trong việc nâng cao ATGT cho trẻ em trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN