Quy chuẩn PCCC phải sát thực tiễn, trình độ công nghệ, thiết bị, vật liệu

(CL&CS)- Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây chủ trì cuộc họp về việc tháo gõ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhất là đối với các công trình xây dựng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc họp với lãnh đaoọ Bộ Xây dựng, Bộ Công an, TP. Hà Nội, TPHCM, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp… về việc tháo gõ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhất là đối với các công trình xây dựng.

Phó thủ tướng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bên cạnh kết quả đạt được trong công tác PCCC thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng tần suất các vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người, tài sản vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý PCCC bao gồm các quy định pháp luật, năng lực con người, tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp, triển khai trên thực tế, cũng còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC trong đầu tư xây dựng nhà và công trình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị 

Theo đó, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vi phạm về PCCC của các công trình hiện hữu, đang hoạt động, trong đó có những vi phạm nguyên tắc an toàn cháy cơ bản, nhưng không dễ khắc phục, giải quyết ngay,

Để tạo điều kiện cho các công trình này được tiếp tục hoạt động, Bộ Xây dựng cho rằng cần tiếp tục rà soát, phân loại các công trình có tồn tại về PCCC theo thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu; loại và quy mô công trình; các tồn tại, vi phạm về PCCC; sau đó hướng dẫn xử lý trên quan điểm không hồi tố, nghiên cứu các giải pháp tăng cường, bổ sung để an toàn hơn hiện trạng. 

Đối với các công trình xây mới, được góp ý hoặc thẩm duyệt thiết kế PCCC sau thời điểm QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực, về cơ bản các khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nêu thực tế, khi siết lại công tác quản lý PCCC sẽ bộc lộ nhiều vấn đề cần được tháo gỡ, trong đó nhiều vi phạm của chủ đầu tư, doanh nghiệp ở tình trạng "sự đã rồi". 

Thậm chí có công trình không tuân thủ bất kỳ quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng doanh nghiệp vẫn kiến nghị được hoạt động mà không có biện pháp khắc phục.

Song song với công tác kiểm tra, lực lượng công an đã tập trung tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình PCCC; rà soát, đề xuất nhóm giải pháp phân loại, tháo gỡ vướng mắc về PCCC; phối hợp với ngành xây dựng để hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng theo quy định…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu đề xuất giảm loại, nhóm công trình xây dựng phải thực hiện thẩm duyệt PCCC; tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục, hướng dẫn cho cơ quan cảnh sát PCCC địa phương; sửa đổi quy định PCCC liên quan đến nhà ở có sử dụng cho mục đích kinh doanh;…

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị phải có "sổ tay" hướng dẫn, bảo đảm tính thống nhất cách hiểu trong áp dụng các quy định về PCCC.

Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam kiến nghị tăng cường xã hội hoá hoạt động kiểm định, thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, hướng dẫn để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về PCCC, không bị "sốc" chính sách.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng những năm qua công tác PCCC ngày càng được quan tâm với các nghị định, thông tư, hướng dẫn bài bản của các bộ, ngành, bộ máy tổ chức thực hiện được kiện toàn. 

Tuy nhiên, các vụ cháy nổ vẫn xảy ra trên mọi địa bàn (dân sinh, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ), gây thiệt hại lớn về con người và tài sản, gây nhiều bức xúc. Do vậy, chúng ta phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý về PCCC.

Phó Thủ tướng đã chỉ ra một số nguyên nhân của các bất cập, khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện.

Đó là sự thiếu quan tâm, không tuân thủ đầy đủ quy định về PCCC của các chủ đầu tư, doanh nghiệp tổ chức, cá nhân. Các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC còn thiếu đồng bộ, chưa tương thích với các quy định pháp luật khác. 

Quá trình ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC chưa tiếp nhận đầy đủ ý kiến từ các chủ thể chịu tác động, điều chỉnh; chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam; chưa lường trước những vấn đề có thể phát sinh khi áp dụng.

Từ những vấn đề phát sinh trong quá trình áp dụng QCVN 06:2022/BXD, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi về mức độ phù hợp với thực tiễn, trình độ phát triển, mức độ sẵn sàng, mức độ công nghệ vật liệu, thiết bị PCCC, năng lực của các tổ chức thẩm duyệt, kiểm định,…

"QCVN 06:2022/BXD có thể áp dụng mọi nơi, mọi lúc đều đúng nhưng trong điều kiện cụ thể, đặc thù thì chưa phù hợp. Đây là vấn đề cần xem xét để gắn với thực tiễn tốt hơn theo mức độ nguy cơ cháy nổ của loại hình, quy mô công trình, thiết bị… 

Chúng ta linh hoạt trong quá trình thiết kế quy chuẩn bảo đảm tính khả thi nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, không hợp thức hóa sai phạm", Phó Thủ tướng phân tích thêm và yêu cầu các bộ, ngành rà soát ngay tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC, thông tin, phổ biến cho các chủ thể, doanh nghiệp có liên quan.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành ban hành những quy định có tính pháp lý làm căn cứ thực hiện quy hoạch, quy chuẩn nghiêm ngặt đối với những loại hình dịch vụ, hoạt động kinh doanh có nguy cơ rất cao về cháy nổ như kinh doanh gas, các mặt hàng, vật liệu dễ cháy nổ, karaoke…

TIN LIÊN QUAN