Quảng Ninh: Một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị cao nhất cả nước

(CL&CS)- Hiện Quảng Ninh là một trong 5 địa phương trong cả nước có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước đạt 67,5%. Với quan điểm phát triển hệ thống đô thị tỉnh bền vững, phù hợp mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, bằng sự kế thừa phát triển, Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển đô thị.

Một góc đô thị TP Hạ Long.

Từ các quy hoạch chiến lược và định hình rõ nét không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực phát triển, hai vành đai đô thị ven biển và vùng đồi”..., trên cơ sở nhận diện những mâu thuẫn, thách thức, những năm qua, các nghị quyết, định hướng quy hoạch, quan điểm phát triển của tỉnh Quảng Ninh đều được gắn với mục tiêu phát triển đô thị theo hướng đồng bộ và hiện đại.

Để tạo nguồn lực cho phát triển đô thị, Quảng Ninh đã xác định công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý, thực hiện quy hoạch đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; quy hoạch là khởi nguồn của sự phát triển, là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực... Tỉnh đã lập các lớp quy hoạch từ đô thị, vùng huyện, phân khu chức năng, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung toàn tỉnh đến nay đạt 100%. Đồng thời, mạnh dạn đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đầu tư hạ tầng giao thông đảm bảo các quy hoạch định hướng. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh huy động hơn 123.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sự bứt phá về giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế; kết nối các trung tâm đô thị, cảng biển, KCN, khu công nghệ cao của tỉnh..., tạo hệ sinh thái đô thị bền vững, gắn kết.

Đến nay, tỉnh có 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh (TP Hạ Long); 3 đô thị loại II (TP Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 thị xã là đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều), 3 đô thị được công nhận là loại IV (huyện Vân Đồn, huyện Tiên Yên, thị trấn Quảng Hà), 4 thị trấn đã được công nhận là đô thị loại V thuộc các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà và Cô Tô; dân số khoảng 1,35 triệu người, có trên 70% người sống tại các đô thị.

Quảng Ninh hiện là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước đạt 67,5%, cao hơn so với trung bình cả nước (40,5%), đặc biệt là ở các đô thị lớn: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí... Các đô thị có quy mô lớn, phân bố tập trung tại khu vực ven biển, nằm trên các tuyến giao thông của tỉnh hoặc quốc gia, nơi có điều kiện xây dựng hoặc nằm trong vùng tài nguyên về du lịch, cảnh quan tại trung tâm du lịch, khai thác mỏ, công nghiệp... Điều này đã góp phần từng bước xây dựng hoàn chỉnh đô thị toàn tỉnh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước; nâng cao chất lượng sống đô thị.

Trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km kéo dài từ cầu Bạch Đằng đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái kết nối chuỗi đô thị của tỉnh tạo thành hành lang kinh tế quan trọng trong kế hoạch phát triển KT-XH.

Giai đoạn tới, Quảng Ninh đề ra mục tiêu tập trung phát triển hệ thống các đô thị theo hướng nhanh, bền vững, phát triển đô thị thông minh, nền kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh, phát triển theo mô hình chuỗi đô thị; nâng cao chất lượng sống đô thị thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, từng bước hiện đại và bền vững... Đây là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, với dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh đã đề ra một số chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm, lộ trình thực hiện. Trong đó, tập trung phát triển đô thị gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp dịch vụ hiện đại để thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp; quản lý, kiểm tra, giám sát việc phát triển đô thị... Đồng thời, thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh và yêu cầu thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo, lấy mục tiêu nâng cao chất lượng nhà ở dân cư, chất lượng hạ tầng xã hội và đô thị, nhất là hạ tầng người dân đô thị còn đang thiếu hụt làm mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị; phát triển đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, hợp tác quốc tế, liên kết vùng để phát triển kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số và một số ngành kinh tế mới nổi...

Với sự chủ động, tích cực trong xây dựng, phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 sẽ được rút ngắn, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về xây dựng Quảng Ninh ngày một giàu đẹp, văn minh; cực tăng trưởng quan trọng của khu vực và cả nước.

TIN LIÊN QUAN