Theo đó, hội nghị được mở để các chủ nợ lựa chọn số phận của Công ty Bồng Miêu, gồm đình chỉ yêu cầu mở thủ tục phá sản, phục hồi hoạt động kinh doanh và tuyên bố phá sản.
Có 24 chủ nợ của Công ty Bồng Miêu có mặt tại hội nghị. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) có đơn yêu cầu TAND tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản đối với Công ty Bồng Miêu là Công ty Besra Việt Nam vắng mặt. Hội nghị cũng không có đại diện của Công ty Bồng Miêu.
Tại hội nghị, có 14/24 chủ nợ, đại diện cho số nợ hơn 209 tỷ đồng biểu quyết tuyên bố phá sản đối với Công ty Bồng Miêu. Sau đó, hội nghị đã thông qua nghị quyết với phương án phá sản đối với DN này.
Tại hội nghị, Công ty Vàng Bồng Miêu tuyên bố phá sản với số nợ lên đên 1.000 tỷ đồng (ảnh: CTV) |
Với việc thông qua phương án phá sản, sắp tới, Công ty Bồng Miêu sẽ bị thanh lý tài sản để trả cho các chủ nợ. Tuy nhiên, trên thực tế tài sản của DN này không đáng giá bao nhiêu so với số nợ khủng của họ.
Theo báo cáo tài chính tháng 11/2017, tổng tài sản của Công ty Bồng Miêu hơn 302 tỷ đồng, công nợ phải thu hơn 6 tỷ đồng (tiền ký quỹ phục hồi môi trường rừng). Trong khi đó, tổng nợ phải trả là hơn 1.000 tỷ đồng (âm hơn 966 tỉ đồng), lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu hơn 966 tỉ đồng.
Kết quả kiểm kê cho thấy tài sản tại công ty có giá trị hơn 34,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản đảm bảo hơn 25,4 tỷ đồng, tài sản không đảm bảo hơn 9,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ tài sản của công ty là tài sản đặc thù của ngành khai khoáng và là tài sản gắn liền trên đất tại mỏ vàng nên chỉ có giá trị khi tiếp tục phục vụ để khai thác vàng, còn nếu khi thanh lý thì giá trị rất thấp.
Về danh sách nợ, theo số liệu báo cáo của DN này, tính đến ngày 12/11/2017 có 100 chủ nợ với số tiền hơn 943,2 tỷ đồng. Trong đó, 108 tỷ đồng tiền nợ thuế và hơn 4,2 tỷ đồng nợ BHXH (tính đến 31-10-2017).
Hoàng Tân