Quảng Nam tiếp nhận 1.200 tỷ đồng khôi phục làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa

(NTD) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa thống nhất chủ trương cho Công ty Kraig Biocraft Laboratories (Hoa Kỳ) khảo sát, nghiên cứu, lập thủ tục đầu tư để khôi phục làng nghề truyền thống dệt lụa.

Thổ nhưỡng ở vùng ven sông Thu Bồn đủ điều kiện để đầu tư trồng dâu nuôi tằm (Ảnh: H.Tân) 

 Theo đó, dự án sẽ được công ty liên kết với nông dân để phát triển vùng trồng dâu khoảng 2.000ha, thu mua toàn bộ kén của dân, sản xuất thành tơ nguyên liệu trong nước và xuất khẩu.

Trong báo cáo với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trước đó, tỉnh Quảng Nam cho biết từ tháng 1/2017, Kraig Biocraft Laboratories đã thực hiện khảo sát và trình đề xuất đầu tư sơ bộ về sản xuất tằm công nghệ cao, trên cơ sở nhập khẩu giống tằm biến đổi gen Bombyx Mori lai tạo với giống tằm trong nước để chuyển giao cho người dân nuôi.

Kraig Biocraft Laboratories cũng mong muốn được tạm giao 50ha đất để chủ động nghiên cứu và triển khai. Tuy nhiên, vấn đề được các bên quan tâm là chủ đầu tư cần phải có chứng nhận của Bộ Khoa học - Công nghệ đối với giống tằm lai để phát triển dự án.

Ngoài ra, theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Nam, việc nhập khẩu giống tằm lai này phải được phía Hoa Kỳ công nhận đủ điều kiện nhập vào Việt Nam, không ảnh hưởng đến môi trường, không gây hại, ảnh hưởng đến dâu tằm trong nước.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đồng ý gia hạn thời gian nghiên cứu, khảo sát dự án đến hết ngày 31/12. Tuy nhiên, trong thời gian này, ông Thu yêu cầu chủ đầu tư phải tiếp tục lập quy hoạch dự án, làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng về việc nhập khẩu giống tằm lai từ Hoa Kỳ. 

Giám đốc điều hành Công ty Kraig Biocraft Laboratories cho biết, hiện Quảng Nam có nguồn lực về con người, đất đai, đặc biệt là ngành nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, phù hợp phát triển dự án nên công ty muốn đầu tư khoảng 50 triệu USD vào đây (tương đương với gần 1.200 tỷ đồng Việt Nam). Ông cũng cho biết, Công ty đã nghiên cứu thành công giống tằm này ở bên Mỹ và muốn đưa đến Quảng Nam nuôi khảo nghiệm vì thế không ảnh hưởng, xung đột với giống tằm truyền thống.

Theo đó, dự án cũng sẽ tập trung vào việc lai tạo giống tằm biến đổi gen với tằm địa phương để tạo giống tằm kích cỡ lớn hơn, cho sản phẩm chất lượng cao hơn để xuất khẩu sang Mỹ và các quốc gia khác.

Được biết, dự án sẽ được triển khai, khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống ở vùng ven sông Thu Bồn.

Hoàng Tân

Nên đọc