Một địa điểm ở khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn bị chặt phá (ảnh Đ.H) |
Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi đã có mặt tại điểm xảy ra phá rừng. Tại đây, hàng chục gốc cây cổ thụ bị xẻ lấy gỗ, chỉ còn trơ gốc, bìa gỗ, nhánh cây…Một số phách gỗ chưa kịp vẫn chuyển đi vẫn còn nằm ngổn ngang giữa rừng. Nhiều thân cây 2 người ôm không hết còn nguyên, đường kính từ 1,2 -1,5 m, dài từ 8-10 m chưa kịp xẻ thành phách, nằm rải khắp sườn núi. Ngoài ra, còn nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, nhiều phách gỗ bị xẻ thịt nằm ngổn ngang với vết cắt có cả mới lẫn cũ.
Người dân ở xã Jơ Ngây cho hay: tình trạng lâm tặc khai thác gỗ ở khu vực trên đã diễn ra thời gian dài nhưng lực lượng chức năng chưa có biện pháp xử lý. Các cây gỗ sau khi được cắt ngắn, xẻ thành phách được vận chuyển bằng bò kéo ra ngoài bìa rừng.
Các phách gỗ lâm tặc chưa kịp vẫn chuyển ra ngoài (Hình: Đ.Hải) |
Ông Hồ Văn Minh, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn cho biết, do người dân gần đó sửa nhà nên vào rừng lấy gỗ, lợi dụng việc này, lâm tặc đã khai thác để trao đổi mua bán. Ông Minh nói: hàng tháng vẫn họp giao ban về công tác quản lý và giao trách nhiệm quản lý cho các trạm phối hợp với các nhóm hộ. Thời gian tới, đơn vị sẽ không giao cho nhóm hộ gia đình nữa mà sẽ họp lại và giao cho cộng đồng để xây dựng tổ bảo vệ rừng.
Theo Chủ tịch UBND H.Đông Giang Đinh Văn Hươm, huyện và đã chỉ đạo công an và kiểm lâm vào cuộc điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý. Chúng tôi không bao che cho một ai. Nếu cơ quan nào, bộ phận nào để sai sót trong công tác, quản lý bảo vệ rừng thì địa phương sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Chi Cục kiểm lâm Quảng Nam cũng cử lực lượng kiểm lâm tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng huyện Đông Giang đi điểm tra khu vực rừng bị tàn phá.
Theo thông tin điều tra ban đầu, ngày 8/3, lực lượng Công an bắt quả tang một nhóm người đang cưa xẻ gỗ trái phép tại 2 tiểu khu 40 và 141 thuộc địa bàn xã Tà Lu và Za Hung, huyện Đông Giang.
Những gốc gỗ có đường kính lớn bị lâm tặc bị chặt phá (Hình: Đ.Hải) |
Tại Tiểu khu 40, các đối tượng đã khai thác gỗ trái phép tại khoảnh 8, 10 và 11 do xã Tà Lu quản lý; khoảnh 9 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn quản lý. Tại Tiểu khu 141, các đối tượng phá rừng tại khu vực khoảnh 1 và 3 thuộc địa phận xã Za Hung do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn quản lý. Bước đầu xác định, các đối tượng đã chặt hạ hàng chục cây gỗ chò, sơn đào, trám… rồi xẻ thành phách để vận chuyển đi tiêu thụ.
Chiều 29/3, ông Đinh Văn Hươm cho biết, hiện huyện đang thống kê diện tích rừng và số gỗ đã bị lâm tặc xâm hại.
Đông Hải - Minh Hằng