Quảng Nam phát triển du lịch gắn với di sản phi vật thể

(CL&CS) - Các di sản phi vật thể có nhiều giá trị để du lịch, khám phá, trải nghiệm văn hóa. Vì vậy, Quảng Nam đã tận dụng những di sản phi vật thể riêng có của tỉnh để phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc trưng.

Với hai nghề truyền thống ở Hội An (Quảng Nam) tiếp tục được đề xuất để Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh gắn với lịch sử hình thành phát triển của làng xã Cẩm Thanh cũng như thương cảng Hội An.

Qua thời gian, điều đặc biệt là nghề này không chỉ gắn với quá trình lao động đơn thuần mà đã sáng tạo để trình diễn tại chỗ phục vụ du khách tham quan cũng như hoạt động lễ hội, xúc tiến du lịch, làng nghề truyền thống, triển lãm trưng bày các làng nghề lớn diễn ra tại địa phương và trong cả nước.

Trong khi đó, sản phẩm nghề đan võng ngô đồng truyền thống của cư dân Cù Lao Chàm là một dạng thức văn hóa dân gian, góp phần minh chứng cho sự tiếp cận, khai thác khá sớm nguồn tài nguyên rừng, nhằm thích ứng với địa hình biển đảo của cộng đồng cư dân nơi đây.

Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh - Quảng Nam

Lồng ghép hoạt động và các sản phẩm từ võng ngô đồng gắn với phát triển du lịch văn hóa, trong đó có hoạt động trải nghiệm đan võng ngô đồng giúp cải thiện sinh kế cho cư dân trên đảo, tạo cơ hội để nghề này được bảo tồn một cách tự nhiên.

Một thời gian dài trước đây, nghề đan võng mang lại thu nhập không đáng kể nên đến nay trên đảo chỉ còn vài nghệ nhân đã cao tuổi. Do đó, hợp tác xã ra đời để lưu giữ nghề trên cơ sở chuyển tải, thu hút những người trẻ tuổi có đam mê, chịu khó tiếp nối nghề, bảo tồn một nghề chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc của Cù Lao Chàm.

Theo Sở VHTTDL, trước đó tại Hội An đã có 4 nghề truyền thống được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: nghề làm gốm Thanh Hà, nghề trồng rau Trà Quế, nghề mộc Kim Bồng và nghề khai thác yến sào Thanh Châu.

Các giá trị di sản phi vật thể này là nguồn tài nguyên văn hóa, nguồn nguyên liệu cho quá trình phát triển của vùng đất Hội An, qua đó đóng góp đáng kể cho hoạt động du lịch trong việc nuôi dưỡng, kích thích sự sáng tạo. Có thể nhận thấy xu hướng này đã và đang lan tỏa rộng khắp qua các sản phẩm du lịch như: một ngày làm nông dân Trà Quế, tour du lịch xanh Cù Lao Chàm…

Nghề làm gốm Thanh Hà

Không chỉ các nghề đã và sắp được công nhận là di sản, vẫn còn rất nhiều giá trị phi vật thể chứa đựng nhiều câu chuyện hấp dẫn, có thể tương tác làm mới mẻ du lịch địa phương. Đơn cử ở Cù Lao Chàm, ngoài nghề đan võng ngô đồng còn có một “hệ sinh thái” di sản phi vật thể đặc trưng khác như nghề hái lá rừng, nghề làm bánh ít lá gai, nghề đan lưới…

Vừa qua, TP. Hội An gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Đây là lĩnh vực gắn rất nhiều với kho tàng giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là khi tại Hội An hiện có trên dưới 50 nghề truyền thống đang tồn tại.

TIN LIÊN QUAN