Hoạt động kinh doanh dịch vụ trái phép...
Quán Bar AirPort, Nhà hàng bò tơ Tài Sanh là những cơ sở kinh doanh có quy mô lớn, tọa lạc trên một khu đất rộng hàng nghìn m2 nằm ngay mặt phố Chùa Bộc, lại có sẵn bãi gửi xe với sức chứa hàng trăm xe ôtô, hoạt động 24/24h, địa chỉ số 6-8 Chùa Bộc trở thành tụ điểm ăn uống, vui chơi giải trí có tiếng ở khu vực quận Đống Đa. Đáng nói, toàn bộ những cơ sở kinh doanh này đều xây dựng và hoạt động sai phép diễn ra từ nhiều năm nay.
Từ ngày 19/12/2019, UBND phường Quang Trung đã có báo cáo gửi UBND quận Đống Đa về việc cải tạo, sửa chữa các hạng mục tại khu đất số 6-8 Chùa Bộc gồm nhà 5 tầng là khách sạn ASEAN cũ và tòa nhà Sắc Xuân. Báo cáo nêu, tòa nhà mái bê tông là quán Bar AirPort rộng 450m2 được cải tạo sửa chữa năm 2011 nhưng không có Giấy phép xây dựng. Nhà hàng bò tơ Tài Sanh được cải tạo sửa chữa trên nền sân tenis từ năm 2012 đến 2014 tổng diện tích gần 1.000m2 cũng không có Giấy phép xây dựng.
Gần đây nhất, ngày 25/2/2020, UBND phường Quang Trung tiếp tục có báo cáo và đề xuất xử lý hành vi tổ chức thi công xây dựng không có giấy phép xây dựng của Công ty Cổ phần An Vượng Á Châu tại 6-8 Chùa Bộc.
Công văn do ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Quang Trung ký cũng thừa nhận: “Thực hiện chỉ đạo của UBND quận, UBND phường Quang Trung liên tục đôn đốc dỡ bỏ nhưng Công ty Cổ phần AVAC vẫn cố tình không tự dỡ bỏ công trình vi phạm”.
Không chỉ có Bar Airport, mà bãi trông giữ xe ô tô với tổng diện tích trên 1.400m2 tại địa chỉ 6-8 Chùa Bộc cũng là nơi có sai phạm diễn ra trong suốt thời gian dài.
Cuối tháng 11/2019, UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa) thông báo cho Công ty Cổ phần An vượng Á châu tự khắc phục các công trình vi phạm trên khu đất số 6-8 Chùa Bộc. Trong buổi làm việc với lực lượng chức năng, đại diện Công ty này cam kết tự khắc phục hạng mục vi phạm trật tự xây dựng nhưng sau đó không thực hiện.
Những hoạt động kinh doanh dịch vụ và xây dựng trái phép của Công ty Cổ phần An Vượng Á Châu diễn ra ngang nhiên, rầm rộ trong suốt nhiều năm trời trên khu đất dự án số 6-8 Chùa Bộc đã đặt ra câu hỏi: Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại quận Đống Đa đặt ở đâu ? có hay không thế lực đứng sau chống lưng, bảo kê cho những sai phạm này ?
Phóng viên đã có buổi làm việc với bà bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó Chủ tịch UBND Phường Quang Trung cho biết: " Hoạt động kinh doanh của quán Bar Airport, bò tơ Tài Sanh và bãi trông giữ xe hoạt động trái phép nhiều năm nay, lực lượng chức năng của UBND phường cũng đã xử phạt nhiều lần, riêng quán bar Airport đăng kí là nhà hàng chứ không phải là quán Bar" nhưng khi được hỏi về việc cải tạo xây dựng có giấy phép hay được phép cải tạo để kinh doanh quán Bar hay không thì Bà Ngân cho biết thêm là công ty Cổ phần An Vượng Á Châu cải tạo không cung cấp được giấy phép.
Còn về bãi trông giữ xe không phép, UBND phường Quang Trung cho rằng, dù nhiều lần yêu cầu chấm dứt hoạt động nhưng Công ty CP An vượng Á châu không chấm dứt hoạt động bãi trông giữ phương tiện, không giải trình số ôtô đỗ tại bãi giữ không thu tiền. Do đó, đề xuất UBND quận Đống Đa chỉ đạo các ngành liên quan xử lý về hành vi thu tiền trông giữ xe không phép đối với công ty này.
Cổng vào quán bar Air Port và nhà hàng bò tơ Tài Sanh. |
Cải tạo khách sạn không phép, chất lượng công trình có đảm bảo?
Cũng tại số 6-8 Chùa Bộc, ngày 19/12/2019, UBND phường Quang Trung có báo cáo gửi UBND quận Đống Đa về việc cải tạo, sửa chữa các hạng mục tại khu đất số 6-8 Chùa Bộc có hạng mục nhà 5 tầng là khách sạn ASEAN cũ và tòa nhà Sắc Xuân.
Báo cáo nêu rõ, tòa nhà mái bê tông là quán Bar AirPort rộng 450m2 được cải tạo sửa chữa năm 2011 không có giấy phép xây dựng. Nhà hàng bò tơ Tài Sanh được cải tạo sửa chữa trên nền sân tenis từ năm 2012 đến 2014 tổng diện tích gần 1.000m2 cũng không có giấy phép xây dựng thì liệu chất lượng của công trình có đảm bảo điều kiện kinh doanh?
Theo biên bản ghi nhận chuyển nhượng tài sản, chỉ có các hạng mục tòa nhà năm tầng khách sạn ASEAN và tòa nhà hai tầng được ghi nhận là tài sản hợp pháp (thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở). Các công trình khác đều là xây dựng không phép, trái phép trên đất đã hết thời hạn thuê (hiện do đơn vị thuê là Công ty Cổ phần An Vượng Á Châu sử dụng). Những công trình và tài sản này vẫn được Công ty Cổ phần An Vượng Á Châu sử dụng bất chấp việc đã hết hạn hợp đồng thuê cũng như quy định của hợp đồng nêu rõ đơn vị thuê phải tự chịu trách nhiệm di dời tài sản sau khi chấm dứt.
Tất cả văn bản, thủ tục pháp lý rõ ràng như vậy nhưng khi Tổng Công ty 36 yêu cầu bàn giao mặt bằng đã hết hạn thuê thì phía Công ty Cổ phần An Vượng Á Châu không giao trả. Ðơn vị này không thừa nhận việc giao kết hợp đồng giữa MBbank và Tổng Công ty 36. Ðại diện Công ty này còn khăng khăng cho rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CG 533226 được UBND thành phố Hà Nội cấp cho Tổng Công ty 36 “đã xâm phạm đến quyền lợi của bên thứ ba là Công ty Cổ phần An Vượng Á Châu”. Trong khi đó, họ không chứng minh được việc mình bị xâm phạm như thế nào khi quyền thuê và khai thác diện tích thuê đã hết hạn từ lâu.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Mạnh Tùng – quyền Trưởng Ban quản lý Dự án Tổng Công ty 36 xác nhận: “Với vai trò là đơn vị được thành phố Hà Nội cho thuê đất và đang thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm, nhưng Tổng Công ty 36 không những không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì, mà còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chưa thể triển khai thực hiện dự án theo kế hoạch. Chúng tôi cũng đã bày tỏ thiện chí để giải quyết sự việc một cách hài hòa, đảm bảo quyền lợi hợp pháp giữa 2 bên, nhưng Công ty Cổ phần An Vượng Á Châu không chấp thuận. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Tổng Công ty 36 đã và đang tiến hành các thủ tục cần thiết để nhờ pháp luật can thiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Trước mắt, song song với việc đưa vụ việc ra tòa án để giải quyết, chúng tôi cũng đang liên hệ với chính quyền quận Đống Đa đề nghị xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đang tồn tại trên khu đất này”.
Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra, phát hiện, lập biên bản về vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ số 6-8 phố Chùa Bộc nhưng tất cả vi phạm đều không được xử lý triệt để. Công ty Cổ phần An Vượng Á Châu vẫn ngang nhiên hoạt động và tiếp tục vi phạm xây dựng thêm nhiều công trình khác. Ðiều này khiến dư luận thắc mắc về sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương đối với những đơn vị kinh doanh này và như vậy liệu chất lượng công trình đang xây dựng cũng như cuộc sống của những hộ dân và cơ quan xung quanh có bị ảnh hưởng? PV Chất lượng và cuộc sống sẽ thông tin tới bạn đọc trong các kỳ tiếp theo.
Quỳnh Anh - Đắc Ninh