Thiết lập hệ thống chỉ huy tập trung là một yêu cầu căn bản trong thời đại thông tin, và quân đội vừa khởi động các chương trình thí điểm tích cực về vấn đề này, China Daily dẫn lời Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua cho biết.
Ouyang Wei, giáo sư Đại học Quốc phòng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cho rằng một hệ thống chỉ huy tác chiến chung nhấn mạnh việc chỉ huy thống nhất và chia sẻ thông tin.
“Nó sẽ giúp quân đội phản ứng nhanh chóng với sự việc bất ngờ. Hệ thống này đã phổ biến ở phương tây hàng thập kỷ, và không nhằm kích động một cuộc chiến tranh, mà chỉ để diệt nó từ trong trứng nước”, ông nói.
Truyền thông Nhật mới đây cho hay Trung Quốc đang cân nhắc tái tổ chức theo hướng giảm số quân khu từ 7 xuống 5. Mỗi quân khu mới sẽ lập một chỉ huy tác chiến chung, kiểm soát cả lục quân, hải quân và không quân cũng như đơn vị tên lửa chiến lược, bốn thành tố quan trọng tạo nên quân đội Trung Quốc.
Theo báo Yomiuri Shimbun, trọng tâm của kế hoạch cải cách quân đội Trung Quốc là ba quân khu – Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu sẽ thành ba khu vực quân sự tương ứng với phạm vi tác chiến ở Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông. Kế hoạch sẽ được tiến hành trong vòng 5 năm. Bốn quân khu còn lại là Bắc Kinh, Thẩm Dương, Lan Châu, Thành Đô sẽ được tổ chức lại thành hai quân khu.
Báo Nhật cho rằng kế hoạch này sẽ giúp quân đội Trung Quốc chuyển đổi từ phòng thủ sang hướng cơ động và tích hợp hơn. Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản hồi rằng việc hiện đại hóa quân đội không nhằm vào bất cứ nước nào.
Zhao Xiaozhuo, phó giám đốc trung tâm Quan hệ quốc phòng Trung – Mỹ tại Học viện Khoa học Quân sự PLA cho biết 7 quân khu được thiết lập năm 1985, với lục quân là lực lượng xương sống. Trung Quốc đang cố gắng tối ưu hóa việc phân bổ các đại quân khu này, bởi ngày nay nguy cơ xảy ra sự cố ở biển nhiều hơn trước, ông Zhao nói và viện dẫn chuỗi đảo tranh chấp với Nhật trên biển Hoa Đông. Sự thay đổi về phân bổ lực lượng nhiều khả năng sẽ nghiêng về ưu tiên không quân và hải quân.
Trọng Giáp
Nguồn: vnexpress.net