Thành phố Pleiku hiện có 23 xã, phường trực thuộc với diện tích hơn 26.000 ha, là trung tâm CT-KT-XH và KHKT của tỉnh Gia Lai. Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, Pleiku có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước.
Trong những năm qua, Pleiku đã đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị mang lại hiệu quả thiết thực như làm đường hẻm, đường giao thông nông thôn; lát đá, lát gạch vỉa hè; lắp điện chiếu sáng đường hẻm...
Nhiều dự án quy hoạch đô thị đã được đầu tư xây dựng như: Khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng, Khu đô thị Cầu Sắt, mở rộng khu công nghiệp Trà Đa, cụm công nghiệp Diên Phú… Một số công trình hiện đại khác cũng được thành phố chú trọng triển khai như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, nâng cấp QL14 đoạn qua TP. Pleiku, nâng cấp mở rộng Sân bay Pleiku, Dự án khu vui chơi giải trí Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng...
Trung tâm Thành phố Pleiku |
Đồng thời, thành phố Pleiku đã đầu tư khá đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I như: Nhựa hóa, bê tông hóa 207 tuyến đường đô thị có tên với tổng chiều dài 272,46 km/273,549 km, đạt 99,6%. Hơn 2.036 tuyến đường hẻm trên toàn thành phố cũng được nhựa hóa, bê tông hóa 349,583 km/737,183 km, đạt 47%. 207 tuyến đường chính có tên hiện đã được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, đạt trên 99%.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố Pleiku năm 2018 đạt 60,3 triệu đồng/người. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 10,19%, vượt yêu cầu của đô thị loại I là từ 7,0 - 9,0%. Thành phố hiện có 1 trung tâm thương mại, 18 chợ và 9 siêu thị với tổng mức bán lẻ hơn 12.000 tỷ đồng/năm.
Với đặc trưng là thành phố Tây Nguyên có số lượng người dân tộc thiểu số đông nên chính quyền thành phố xác định, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị trong thời gian tới sẽ theo hướng vừa hiện đại, vừa lưu giữ đặc trưng bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Lý Trường