Phục hồi ngành du lịch trong điều kiện an toàn

(CL&CS) - Giám đốc Sở du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, Sở Du lịch đã xác định từng bước phục hồi ngành du lịch theo hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19 và theo nguyên tắc: An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn.

90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ tạm ngưng hoạt động

Theo Sở Du lịch TP.HCM, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chỉ tiêu của ngành du lịch TP.HCM năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2021 lượt khách quốc tế mới đến TP.HCM là 0 lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 7.750.000 lượt khách, giảm 31% so với 9 tháng 2020 và giảm 52% so với 9 tháng năm 2019.

Tổng thu từ khách du lịch 9 tháng năm 2021 đạt 39.523 tỷ đồng, giảm 31% so với 9 tháng 2020, giảm 62% so với 9 tháng năm 2019.

Về tác động của dịch COVID-19 đối với lữ hành, từ tháng 4/2021 đến nay có 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động.

Từ ngày 1/1/2020 đến 25/9/2021 có tổng cộng 190 doanh nghiêp kinh doanh dịch vụ lữ hành rút giấy phép kinh doanh. Tỷ lệ cắt giảm người lao động tại các doanh nghiêp 50-80% do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, qua rà soát, thống kê, trên địa bàn thành phố có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng ba sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng bốn sao và năm sao hoặc tương đương hoạt động cầm chừng.

Thời gian tới ngành du lịch thành phố cũng xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi; tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn.

“Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp du lịch đồng hành vượt qua khó khăn để tái hoạt động trong trạng thái mới, phục hồi bền vững, an toàn cho doanh nghiệp và khách du lịch”, bà Hoa chia sẻ.

Theo dự thảo, kế hoạch mở cửa du lịch TP.HCM được chia ba giai đoạn.

Giai đoạn một từ ngày 1 đến 31/10: Hoạt động du lịch chỉ mở trên địa bàn vùng xanh. Các chương trình du lịch chỉ được tổ chức theo phương thức khách đoàn, đi và về trong ngày tại các điểm tham quan huyện Củ Chi, Huyện Cần Giờ, Huyện Nhà Bè, quận 7…

Giai đoạn hai từ 1/11 đến 31/12: Hoạt động du lịch mở trên địa bàn vùng xanh là chủ yếu.

Giai đoạn 3, năm 2022: Khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP.HCM, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch COVID-19.

Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực, bảo đảm điều kiện an toàn, để kịp thời thực hiện khi TP.HCM mở cửa du lịch trở lại.

Doanh nghiệp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Sở Du lịch đã xác định từng bước phục hồi ngành du lịch theo hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19 và theo nguyên tắc: “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn”.

Trong quá trình khôi phục ngành du lịch, TP.HCM cũng xác định lộ trình, giải pháp từng bước đi cùng với Kế hoạch phục kinh tế của TP.HCM.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Khánh cho biết, dù chưa thống kê hết nhưng cần rà soát lại thực trạng nhân lực của ngành du lịch, khi cạn nguồn nhân lực như hiện nay doanh nghiệp tìm cách để thu hút lại nguồn nhân lực.

Theo bà Khánh, đối với các điểm đến đang tổ chức tour khép kín, cần phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với nhau để đảm bảo an toàn và đủ nguồn lực cho các điểm đến đó. Hiện tại ở thành phố đang có tour Củ Chi và Cần Giờ. Sắp tới các hãng hàng không sẽ bay lại, sẽ có các chuyến bay từ TP.HCM đi các địa phương khác và ngược lại, từ đó sẽ tạo những tour khép kín từ thành phố đi các địa phương.

Về việc chuẩn bị cho khách quốc tế trong những năm tiếp theo, bà Nguyễn Thị Khánh đề nghị không nên dàn trải mà chọn lựa thị trường phù hợp để có sản phẩm phù hợp cho từng thị trường, nhằm tối ưu hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Khánh cũng đề nghị miễn vé tham quan những điểm tham quan của Nhà nước cũng như miễn thuế VAT cho doanh nghiệp du lịch trong năm 2022.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho biết TP.HCM là điểm đến an toàn nếu căn cứ vào tỉ lệ đã tiêm vaccine. Từ đó, mạnh dạn  mở rộng xây dựng các sản phẩm mới, nếu địa phương nào cho phép khách du lịch đến TP.HCM thì cần đón khách đó và ngược lại. Yêu cầu khách du lịch phải tiêm vaccine đầy đủ, có xét nghiệm âm tính không quá 72 giờ.

Ông Trần Đoàn Thế Duy cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố làm việc với các địa phương và khu liên kết du lịch để thống nhất đưa ra bộ tiêu chí an toàn du lịch. Về du lịch quốc tế, thành phố có thể chủ động đón khách Việt Nam hồi hương hoặc khách quốc tế đến Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, đây là lượng khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ rất lớn.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air) Đỗ Xuân Quang, trong giai đoạn khôi phục sau dịch, các doanh nghiệp du lịch, hàng không cũng mong muốn nhận được các chính sách ưu đãi về thuế, phí dịch vụ, các khoản phí liên quan tới hoạt động dịch vụ du lịch... Để thu hút du khách, những chính sách về giá vé cần linh hoạt, tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động mang tới những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.

Chia sẻ những khó khăn và ghi nhận những ý kiến của các doanh nghiệp du lịch, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đề nghị Sở Du lịch thống kê số lượng trong ngành cần ưu tiên vaccine, chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực để kịp thời bổ sung.

“Chỉ cần dịch bệnh kiểm soát tốt, thì doanh nghệp dễ dàng “bung ra” các sản phẩm du lịch. Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực, bảo đảm điều kiện an toàn, để kịp thời thực hiện khi TP.HCM mở cửa du lịch trở lại”, Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN