Ngày mai (5/9), hàng triệu học sinh sẽ bước vào năm học mới và một trong những lo lắng nhất của phụ huynh là bộ sách cho các em học tốn quá nhiều tiền, có trường “gợi ý” nguyên bộ lên tới 800.000 đồng! Bộ GDĐT cũng vừa lên tiếng cho biết, phụ huynh chỉ cần mua SGK bắt buộc, khoảng 200.000đ/bộ và có quyền từ chối mua sách tham khảo, bổ trợ.
Sau khi báo chí và dư luận lên tiếng về những trường "ép" phụ huynh mua SGK lên tới 800.000 đồng/bộ, quá sức chịu đựng của nhiều phụ huynh nghèo, Bộ GDĐT đã cảnh báo nhà trường không được ép buộc phụ huynh mua cả SGK và sách tham khảo.
Các đơn vị cần ghi rõ SGK và sách tham khảo để phụ huynh lựa chọn. Theo Bộ này, bộ SGK lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục 2018 có 8 cuốn bắt buộc và một môn tự chọn. Các cuốn SGK bắt buộc gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn.
Ngoài các cuốn SGK chính thức trên đây, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không phân biệt được đâu là sách bắt buộc và số nào là “tự chọn”! Không ít trường, chưa biết do vô tình hay hữu ý đã gom chung và báo giá trọn gói dẫn đến tình trạng một bộ sách có khi lên tới 800.000 đồng. Như tại Trường tiểu học An Phong, Q.8, TP. HCM, một bộ sách lớp 1 lên đến 23 cuốn trong khi danh mục SGK lớp 1 được Bộ GDĐT công khai nhiều nhất cũng chỉ 10 cuốn/bộ!
Nhìn bảng kê khai giá sách mà phụ huynh cung cấp và báo chí đăng tải, ngoài sách giáo khoa, còn kèm thêm nhiều sách tham khảo, sách tự chọn khác. Trong đó, sách tiếng Anh I-Learn Smart Start có giá lên tới 146.000 đồng. Bộ thực hành Toán, tiếng Việt Cánh diều có giá lên đến 173.400 đồng!
Đây không phải là năm học đầu tiên, SGK được “trộn chung” với sách tham khảo, sách bổ trợ... nhiều như thế. Vì khá nhiều lý do tế nhị, trong đó chủ yếu vì doanh thu nên đơn vị cung cấp sách thường bán kèm các loại sách trên với nhau. Phụ huynh nào biết hoặc cương quyết sẽ không mua hoặc mua những quyển tham khảo, bổ trợ cần thiết còn phụ huynh không để ý dù mất tiền khá nhiều nhưng cũng tặc lưỡi cho qua.
Bên cạnh đó thì việc “tự nguyện, tự chọn” cũng bị biến tướng và phu huynh buộc phải mua do được “vận động” quá nhiều. Chưa kể con em họ nếu không có đủ sách thì khi cần sẽ khác bạn bè cùng lớp, bị cô hỏi hoặc chẳng có để tham khảo. Nắm được tâm lý này nên kiểu bán sách kèm sách, lẽ ra chỉ phải mua 1 nhưng bấm bụng trả 4,5 để rước về những sách không cần thiết vẫn tái diễn triền miên.
Hiện nay các nhà cung cấp thường chiết khấu phần trăm hoa hồng không ít cho nhà trường khi họ phát hành sách. Giá sách càng cao, bán càng nhiều thì hoa hồng nhận được càng lớn nên không lạ gì khi các trường rất “chịu khó” phân phối sách đến phụ huynh.
Trong tình thế bủa vây tứ bề” như thế, việc phụ huynh kêu ca đắt đỏ nhưng vẫn phải mua cả SGK, sách tham khảo, bổ trợ khá dễ hiểu. Giờ đây chỉ còn cách để phụ huynh tự mua bên ngoài theo chỉ dẫn chung hoặc các trường không được làm “đại lý” cho các công ty phát hành sách giáo dục thì may ra vấn nạn này mới giảm thiểu.
Phan Nguyễn