“Phong tỏa" Vũ Hán và hệ quả tiếp theo của căn bệnh phổi bí hiểm

(NTD) – Bắt đầu từ 10h sáng nay, tức 9h theo giờ Hà Nội, chính quyền thành phố Vũ Hán bắt đầu các phương thức cách ly phòng dịch với bệnh phổi bí hiểm: các chuyến bay và xe lửa ra khỏi Vũ Hán bị đình hoãn, hệ thống xe điện ngầm dừng hoạt động và các sự kiện đông người bị hủy bỏ.

Một trạm xe điện ngầm của Vũ Hán. Từ 10g sáng nay, tất cả hệ thống giao thông công cộng của Vũ Hán dừng hoạt động trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh (Ảnh: Reuters) 
Nhà ga Hankou hôm qua 22/1 (Ảnh: Getty Images) 

“Phong tỏa Vũ Hán”

Đây là nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong nỗ lực khống chế dịch viêm phổi bí ẩn đã làm 17 nạn nhân người Trung Quốc thiệt mạng, hơn 550 người nhiễm bệnh. Hashtag Phong tỏa Vũ Hán trên mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc đã được 30 triệu lượt người hưởng ứng. Tân Hoa Xã viết rằng nỗ lực “góp phần ngăn chặn hiệu quả sự lan rộng của chủng virus mới, khống chế sự bùng phát và bảo đảm sức khỏe và an toàn của người dân”.

Căn bệnh lạ phát tác từ ngôi chợ hải sản có bán động vật hoang dã ở trung tâm thành phố vào tháng 12 vừa rồi, sau đó lan ra khắp Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.

Căn bệnh này đã kích hoạt nỗ lực của toàn cầu nhằm ngăn chặn thảm kịch tương tự như đại dịch SARS cách đây 17 năm tái diễn, làm hơn 800 người thiệt mạng và gây tổn thất đến ngành kinh tế và du lịch trong khu vực.

Với 11 triệu dân, Vũ Hán được truyền thông Trung Quốc gọi là “mặt trận chính” trong cuộc chiến chống lại căn bệnh lạ. Chính quyền đã đình hoãn hệ thống giao công cộng và khuyến cáo “cư dân thành phố không nên rời khỏi nơi đây và người ở nơi khác không nên đến”. Quyết định này chỉ diễn ra một ngày trước khi kỳ nghỉ Tết âm lịch bắt đầu – khi hàng trăm triệu người đổ xô về quê, tạo nên làn sóng di cư hàng năm lớn nhất trên địa cầu.

Chuyên gia dịch tễ và bệnh phổi hàng đầu của Trung Quốc, bác sỹ Wang Guangfa, cũng chính thức xác nhận mình đã nhiễm bệnh khi dẫn đầu toán nghiên cứu về bệnh này tại Vũ Hán từ tháng 12/2019 (Ảnh: Peking University First Hospital)

Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu bị nhiễm bệnh

Chủng mới coronavirus được xem là tác nhân gây ra căn bệnh bí hiểm này. Chủng mới cùng họ với các loại virus từng gây bệnh SARS và MERS cùng các bệnh cúm tương tự khác. 

Các chuyên gia y tế Trung Quốc và WHO hiện vẫn chưa xác định được vật chủ truyền bệnh của căn bệnh viêm phổi bí ẩn là gì. Ban đầu, họ nói là việc lây từ người này sang người khác là “có thể” và “hạn chế”. Nhưng sau đó thì nói có chứng cứ rõ ràng về việc truyền từ người sang người.

Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Trung Quốc – bác sỹ Wang Guangfa – công khai xác nhận hôm 21/1 ông đã nhiễm bệnh dù trước đó ông từng tuyên bố dịch bệnh này có thể ngăn chặn và kiểm soát.

Là trưởng khoa bệnh phổi của First Hospital thuộc Đại học Bắc Kinh và có nhiều kinh nghiệm về dịch SARS năm 2003, bác sỹ Wang được cử cấp tốc đến Vũ Hán khi dịch vừa nhóm vào tháng 12 vừa rồi. Ông Wang đã rất tự tin tuyên bố rằng chủng virus mới có ít khả năng gây bệnh hơn, có thể ngăn chặn và kiểm soát.

Một du khách Trung Quốc đeo khẩu trang khi đến sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok (Ảnh: Reuters) 

WHO thận trọng với “đại dịch toàn cầu”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dời việc công bố dịch bệnh lạ có thể là tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng hay không. “Đây là tình huống đang tiến triển và phức tạp. Để có đối sách, chúng tôi cần có thêm thông tin”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo tối qua tại Geneva, Thụy Sỹ - tức rạng sáng nay theo giờ Việt Nam.  

Các chuyên gia trong Ủy ban khẩn cấp của WHO sẽ họp bàn trong hôm nay sau khi có thêm các thông tin từ Trung Quốc.

Số người nhiễm bệnh thật sự tại Vũ Hán có thể nhiều hơn các số liệu Trung Quốc cung cấp. Dựa trên số ca đã phát hiện và thời gian ước lượng kể từ khi nhiễm cho đến khi phát hiện, nhà nghiên cứu Neil Ferguson tại Imperial College London, cho rằng khoảng 4.000 người ở Vũ Hán có thể đã nhiễm bệnh.

Trong buổi họp báo hôm qua, ông Tedros đã ca ngợi phản ứng nhanh của Trung Quốc đối với việc bùng nổ dịch và nói rằng WHO đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan địa phương tại Trung Quốc.

WHO đã từng bị chỉ trích vì đưa ra những cảnh báo khi thì quá sớm, có khi lại quá muộn.

Bệnh phổi kích hoạt cơ chế “khẩn cấp toàn cầu” là dịch cúm gia cầm năm 2009. Cảnh báo rất nghiêm trọng nhưng cuối cùng hệ quả lại rất nhỏ.

Ngược lại, năm 2014 WHO bị chỉ trích vì đã không báo động sớm cơn bùng phát của dịch Ebola ở Tây Phi. Đợt bùng phát Ebola vào tháng 7 vừa rồi ở Cộng hòa Dân chủ Congo được WHO xem là tình trạng khẩn cấp với sức khỏe cộng đồng, nhưng dịch bệnh đã bùng phát gần một năm trước.

Khuyến cáo hành khách và phi hành đoàn có thể bị cách ly theo dõi nếu bay thẳng hay nối chuyến từ Vũ Hán tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) ngày 21/1 (Ảnh: Reuters) 

Quốc tế phản ứng nhanh

Trước khi WHO họp khẩn ở Geneva, Đài Loan đã có những bước đi đối phó với sự lan rộng của đại dịch viêm phổi. Cơ quan Nhập cư Đài Loan (NIA) đã hủy 459 visa của khách đến từ Vũ Hán. Hãng hàng không China Airlines của lãnh thổ này cũng hủy các chuyến bay đến Vũ Hán vào đầu tháng 2 tới.

Hãng điện tử Foxconn lập hàng rào kiểm dịch riêng đối với nhân viên làm việc ở nhà máy Vũ Hán về Đài Loan ăn Tết. Hãng đã yêu cầu tất cả mọi người trở về từ Vũ Hán “ở nhà, không được vào văn phòng” dù rằng không có triệu chứng của bệnh viêm phổi. Tỷ phú Terry Gou – chủ của Foxconn – dự định cấm nhân viên của mình quay lại Vũ Hán làm việc sau Tết và mọi việc sẽ trao đổi qua video conference.

Người dân Trung Quốc dự kiến thực hiện bảy triệu chuyến xuất ngoại trong dịp Tết Nguyên đán này với các điểm đến được yêu thích hàng đầu là Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore và Malaysia.

Các sân bay ở Thái Lan tăng cường máy tầm nhiệt từ xa. Bất cứ du khách nào có nhiệt độ cơ thể trên 38oC sẽ được đưa vào bệnh viện cách ly và theo dõi. Khách sạn Nhật Bản có bảng thông báo đến khách về khả năng lây nhiễm của căn bệnh mới. Một bệnh viện ở Đài Loan dán thông báo yêu cầu mọi người – bác sỹ, bệnh nhân và người nhà của họ - thực hiện tự cách ly và tự bảo vệ bằng cách luôn đeo khẩu trang khi bệnh viện đang giữ theo dõi bệnh nhân bị cách ly hay các ca nghi ngờ.

IHH Healthcare – công ty đang điều hành các bệnh viện tư ở Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - nói rằng tự tin với hệ thống phòng khám hiện đại của họ vì đã thử sức qua các đại dịch SARS, cúm Trung Đông MERS. Mỗi bệnh viện của IHH đều có đội phản ứng nhanh.

Các nhà nghiên cứu nói bệnh viêm phổi mới có thể làm giảm tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nền kinh tế trong khu vực. Năm 2003, SARS làm GDP của Singapore giảm 0,47%, Thái Lan và Malaysia giảm 0,15% và Nhật Bản giảm 0,07%.

Ricky Hồ

Nên đọc