Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm lỗi vi phạm để bị lợi dụng dẫn đến mất tiền do tổ chức mình gây ra

(NTD) - Trước sự phản hồi về việc khách hàng mất tiền ở Eximbank của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mới đây luật sư Trương Thanh Đức đã nêu quan điểm: Trách nhiệm bảo đảm an toàn, chính xác số dư tài khoản là của ngân hàng, khách hàng chỉ có trách nhiệm gửi, rút và thanh toán trong hoặc ngoài phạm vi số dư theo đúng quy định và thỏa thuận với ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Thời gian gần đây khách gửi tiền tại ngân hàng liên tục phản ánh tiền trong tài khoản “bỗng dưng bốc hơi”. Điển hình là vụ bà Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng hay ông Nguyễn Tiến Nam - trong nhóm khách hàng bị mất 50 tỷ đồng ở Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Và dù mất hàng năm trời chờ đợi nhưng tới giờ Eximbank vẫn tiếp tục yêu cầu khách hàng “đợi phán quyết của tòa”. Chua xót hơn, khách mất tiền còn nhận được cách hành xử thiếu sòng phẳng của lãnh đạo Eximbank. Vụ việc đã khiến không chỉ dư luận dậy sóng mà còn khiến người dân mất lòng tin vào cả Eximbank lẫn hệ thống ngân hàng.

Để làm an lòng dư luận, mới đây tại họp báo Chính phủ thường kỳ tối 2/4, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã trả lời các câu hỏi liên quan tới loạt vụ khách mất tiền tỷ ở Eximbank nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Bà Hồng cho biết NHNN đã có văn bản yêu cầu phía Eximbank phối hợp với khách hàng và cơ quan khác để bảo đảm lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Theo bà Hồng, ngân hàng luôn bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của người gửi tiền. NHNN ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm, cho vay với quy trình chặt chẽ và buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tuân thủ.

Theo luật sư Trương Thanh Đức thì ngân hàng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, chính xác số dư tài khoản là của khách hàng.

“Các văn bản này quy định rất rõ quy trình, thủ tục nhận tiền gửi, quy định rõ trách nhiệm của các TCTD, phải công khai minh bạch, đến hạn phải trả đầy đủ gốc và lãi. Lỗi vi phạm (nếu có) phải được xử lý nghiêm” - Phó Thống đốc khẳng định.

Bên cạnh đó, bà Hồng còn khuyên người gửi tiền “nên thường xuyên đến trụ sở ngân hàng thực hiện giao dịch, kiểm tra số dư thường xuyên. Khi phát diện dấu hiệu bất thường thì phải báo ngay cho tổ chức tín dụng, cơ quan Nhà nước để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt”.

Bình luận các sự việc liên quan đến tai tiếng điều hành Eximbank, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, cho biết: NHNN quy định và thanh tra, giám sát, yêu cầu tuân thủ đúng quy định. Điều quan trọng nhất là NHNN phải giải thích đúng bản chất, yêu cầu về trách nhiệm bồi thường theo hướng bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, chính xác, an toàn trong hoạt động ngân hàng chứ không thể đơn thuần nhắc lại những quy định chung chung, vô thưởng, vô phạt và đánh võng câu chữ theo kiểu, ngân hàng và khách hàng sai đến đâu phải chịu đến đấy. Như vậy thì không còn là ngân hàng nữa, mà là quan hệ kinh tế, dân sự thông thường khác.

Ông Đức cho rằng: Trách nhiệm bảo đảm an toàn, chính xác số dư tài khoản là của ngân hàng, khách hàng chỉ có trách nhiệm gửi, rút và thanh toán trong hoặc ngoài phạm vi số dư theo đúng quy định và thỏa thuận với ngân hàng.

“Việc kiểm tra không nhằm bảo đảm an toàn tiền gửi, mà chỉ là để biết sớm việc mất an toàn. Vì thế, việc tiền gửi có hay không bảo đảm an toàn, không thuộc về phía khách hàng, không nằm trong tay khách hàng, mà hoàn toàn thuộc về ngân hàng” - ông Đức khẳng định.

Mai Trinh - Vy Vy

 
Nên đọc