Theo Bộ KH&CN, qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển thị trường, doanh nghiệp KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia
Đối với việc phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, báo cáo của Bộ KH&CN cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, thị trường KH&CN tiếp tục được thúc đẩy phát triển và từng bước phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh và đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân giai đoạn 2011 - 2020 là 22%. Trong đó, một số ngành tăng trưởng cao như ngành điện, điện tử máy tính 46%; ngành chế biến gỗ, giấy 29%, ngành chế biến thực phẩm 28%
Hệ thống tổ chức trung gian có sự phát triển mạnh mẽ trong 5 năm qua. Hiện tại, cả nước có trên 800 tổ chức trung gian các loại đã được hình thành hoạt động bao gồm các sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương; 63 trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, trung tâm thông tin KH&CN; 04 khu công nghệ cao; 08 công viên phần mềm; 186 tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; 01 tổ chức giám định sở hữu công nghiệp; khoảng 240 tổ chức thẩm định giá, 30 cơ sở ươm tạo công nghệ; 23 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (tăng 16 tổ chức so với năm 2017); 170 không gian làm việc chung (tăng 150 không gian so với 2017), 50 trung tâm chuyển giao công nghệ thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học và các loại hình tổ chức khác (hiệp hội, doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề liên quan đến tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ), 01 sàn giao dịch công nghệ Vùng Duyên hải Bắc Bộ kết nối 05 sàn giao dịch trong khu vực gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, 01 sàn giao dịch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến kết nối các sàn giao dịch công nghệ trong khu vực như Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang đang trong giai đoạn thành lập.
Các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), chợ công nghệ và thiết bị trực tuyến (Techmart online), công tác hỗ trợ các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu công nghệ tiếp tục được triển khai hiệu quả; cơ sở dữ liệu về công nghệ liên tục được cập nhật .
Ảnh minh hoạ
Các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN trong 5 năm gần đây đã có những bước phát triển lớn khi làm chủ gần 400 công nghệ, 50% Trung tâm đã tạo ra doanh thu trung bình trên 60 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 10 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2015-2019: Số lượng hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ đạt trung bình 3.020 hợp đồng/năm, tăng trưởng 10%/năm; giá trị hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ trung bình 61,2 tỷ đồng/năm, có mức tăng trưởng 10%/năm.
Về hoạt động của doanh nghiệp KH&CN, tính đến tháng 31/12/2022, cả nước đã cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DNKHCN) cho 712 doanh nghiệp, tăng 76 doanh nghiệp so với năm 2021. Các DNKHCN được cấp giấy chứng nhận có kết quả KH&CN thuộc hầu hết lĩnh vực công nghệ được khuyến khích phát triển, trong đó chủ yếu: công nghệ sinh học (39,9%), công nghệ tự động hóa (25,5%), công nghệ thông tin (17%), vật liệu mới (10%).
Về cơ cấu vốn chủ sở hữu: DNKHCN chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân (97,7% doanh nghiệp không có vốn nhà nước). Doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm khoảng 2,3% tổng số DNKHCN được cấp Giấy chứng nhận chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực giống, y dược và bảo vệ môi trường.
Về việc phân bố theo địa phương, những địa phương có số lượng doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN cao vẫn là những địa phương phát huy thế mạnh của các trung tâm kinh tế - xã hội - khoa học công nghệ như: Hà Nội (135); Thành phố Hồ Chí Minh (117); Thanh Hoá (32); Quảng Ninh (24); Hải Phòng (23); Đà Nẵng, Long An (20).
Đối với việc phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, tính đến ngày 31/8/2021, toàn quốc có hơn 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội (43,3%) và thành phố Hồ Chí Minh (41,2%); còn với khu vực miền Trung, chênh lệch số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp giữa các tỉnh, thành phố là không nhiều. Chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng ngày càng tăng cao.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam từng bước thu hút sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư, đặc biệt từ nguồn ngoài nước. Trong những năm gần đây, số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam liên tiếp tăng trưởng cao với số vốn đạt xấp xỉ 01 tỷ đô-la Mỹ liên tiếp trong 02 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh nguồn vốn từ chính cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, nguồn vốn cho khởi nghiệp sáng tạo bao gồm nhiều loại hình: quỹ đầu tư; nhà đầu tư thiên thần; nguồn vốn từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn (Vingroup, Startup Viet Partner...); nguồn ưu đãi tín dụng, vốn vay từ các ngân hàng, quỹ tài chính.
TECHFEST đã trở thành sự kiện thường niên lớn nhất của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam do Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội tổ chức đã thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của các cá nhân và tổ chức trong nước và quốc tế. Cùng với đó, trung bình mỗi năm, chuỗi sự kiện TECHFEST quy tụ được trên dưới 300 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên toàn quốc. Thông qua TECHFEST, các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST được hỗ trợ kinh phí tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm; hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư thông qua hoạt động kết nối đầu tư được tổ chức xuyên suốt trong quá trình tổ chức .
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhóm 10 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST sáng tạo xuất sắc nhất tham dự cuộc thi tại TECHFEST hàng năm đã được nhiều thành tựu về gọi vốn hoặc chiến thắng các cuộc thi quốc tế như Finhay, Medlink, Tubudd, VP9, Vulcan Augmetics, DesignBold… Đặc biệt, nhà vô địch Techfest 2018 Abivin đã giành chiến thắng tại Startup World Cup, cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu uy tín quy mô toàn thế giới, nhận được giải thưởng lên đến 1 triệu đô la Mỹ.