Phát triển kinh tế số hậu COVID-19: Cần khung đo lường rõ ràng

(CL&CS) - Để có thể đưa ra các chính sách và kế hoạch phù hợp cho nền kinh tế nói chung và nền kinh tế số nói riêng, các nhà hoạch định chính sách cần dựa trên một khung đo lường rõ ràng.

65% doanh nghiệp sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số

Đại dịch COVID-19 càng khiến cho sự quan tâm của Chính phủ và doanh nghiệp đối với kinh tế số (KTS) mạnh mẽ hơn.

 Sự đứt gãy của không ít hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng truyền thống buộc các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh dạn hơn trong nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số hóa trong các hoạt động quản lý, sản xuất – kinh doanh.

Mô hình tích hợp về đo lường kinh tế số - Nguồn: Hà Quang Thụy và cộng sự (2020).

Đại dịch COVID-19 đã đốc thúc khoảng 65% lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số. Có trên 80% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết.  Quyết tâm chuyển đổi số, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được thể hiện khá rõ nét.

“Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững là những nền tảng trọng tâm giúp công ty có thể ứng phó và tiếp tục phát triển lành mạnh dưới sự tác động của đại dịch Covid-19”, ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen cho biết.

Bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng Giám đốc Traphaco chia sẻ: Traphaco đã đẩy mạnh số hóa, từng bước thành công trong "4.0" hoá toàn diện doanh nghiệp, đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng rô bốt trong sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS); áp dụng ERP trong quản lý doanh nghiệp…

Nhờ đó, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Traphaco nhanh chóng thích ứng và thay đổi, đạt được mức tăng trưởng tốt: 6 tháng đầu năm 2021, Công ty tiếp tục đà tăng trưởng 22% về doanh thu và 38% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ.

Ở tầm vĩ mô, trong những nỗ lực tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ KTS. Hành lang chính sách phát triển KTS được xây dựng và hoàn thiện.

“Nhưng để có thể đưa ra các chính sách và kế hoạch phù hợp cho KTS nói riêng, các nhà hoạch định chính sách cần dựa trên một khung đo lường rõ ràng, có cơ sở và được cập nhật số liệu thường xuyên”,  ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu.

Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cần sớm xây dựng Bộ tiêu chí thống kê, đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Nhưng việc đo lường KTS trên thế giới đang là một thách thức. Nhiều tổ chức quốc tế đã cố gắng đưa ra các biện pháp đo lường KTS. Nhưng tính năng động của KTS đã thực sự đặt ra thách thức lớn cho việc phân loại và thống kê, đo lường kinh tế số.

Đặc biệt, số liệu và phương pháp tính toán phải cho phép so sánh theo chuỗi thời gian và theo vùng, thậm chí phải đủ tương thích với các phương pháp đo lường quốc tế để có thể so sánh kết quả giữa các nền kinh tế.   

Và đến nay việc không có một định nghĩa thống nhất về phạm vi KTS là một trở ngại đối với đo lường và so sánh quy mô của KTS giữa các quốc gia.  

Bên cạnh việc phải xác định một phạm vi thống nhất cho KTS, đo lường KTS còn gặp trở ngại về mặt kĩ thuật của các biện pháp đo lường dẫn đến đo lường sai quy mô thực tế của nền KTS, ông Nguyễn Anh Dương cho hay.

Với Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, việc đo lường đóng góp của kinh tế số trong GDP là công việc khó khăn, phức tạp và nhiều thách thức khi kinh tế số có nhiều khái niệm, quan điểm và cách tiếp cận khác nhau dẫn tới sự khác biệt lớn trong kết quả tính toán quy mô kinh tế số...

 Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số 

Tổng cục Thống kê đã đề xuất Dự thảo hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số với 54 chỉ tiêu cụ thể được xây dựng trên cơ sở bộ chỉ tiêu do Nhóm các quốc gia phát triển (G20) đề xuất.

Nhưng theo ông Dương và nhóm nghiên cứu của CIEM thì Bộ chỉ số đánh giá và đo lường KTS của G20 được thiết kế và phổ biến bởi Nhóm các nền kinh tế G20 mặc dù rất chi tiết nhưng cũng chưa thể phản ánh được hết mức độ phức tạp của KTS.

Các chỉ số này mới chỉ đo lường được chiều rộng chứ chưa đo lường được chiều sâu của KTS. Bộ chỉ số của G20 có thể không đánh giá đầy đủ và toàn diện những ảnh hưởng xã hội có thể có từ KTS.  

Đối với Việt Nam, việc thu thập các dữ liệu này gặp nhiều khó khăn hơn do thống kê của Việt Nam chưa đầy đủ, theo ông Dương cho biết.

Tuy cũng có một số xếp hạng các chỉ tiêu về số người sử dụng internet, quy mô thị trường thương mại điện tử và một số thống kê về số lượng doanh nghiệp, lao động, sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT-TT vẫn chưa đầy đủ và chưa phản ánh được hết quy mô của nền KTS.

Bà Hương cho rằng, việc xác định phạm vi, đo lường đầy đủ quy mô và đóng góp của kinh tế số trong GDP là công việc khó khăn, phức tạp cần được tiến hành thận trọng, khoa học, gắn lý luận với thực tiễn và sử dụng nhiều nguồn lực.

Để kết quả đo lường kinh tế số được đảm bảo, Tổng cục Thống kê kiến nghị:  Cần thống nhất việc tiếp cận để xem xét, đo lường quy mô của kinh tế số theo phạm vi rộng nhất.  

Theo đó, kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng kiến thức, thông tin được số hóa để hướng dẫn, nâng cao phân bổ nguồn lực, năng suất, mang lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Kinh tế số gồm các mô hình kinh doanh và quản lý tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Tổng cục cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và xác định nguồn thông tin để đo lường kinh tế số theo phạm vi hẹp và phạm vi rộng.

Đồng thời hoàn thiện và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số.  

 Tổng cục cũng sẽ tăng cường năng lực thống kê trong đo lường kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế (hệ thống tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán quốc tế (BOP), tiêu chuẩn phân ngành, mã VSIC…); bổ sung các khái niệm mới, sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số vào rổ hàng hóa và trọng số tính CPI, PPI, GDP)…; nâng cao hiệu quả phối kết hợp, cung cấp thông tin, số liệu về kinh tế số và mức độ chuyển đổi số; áp dụng phương pháp và công cụ thống kê hiện đại để đo lường kinh tế số.

Từ năm 2022, KTS chính thức được đưa vào Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Luật Thống kê (sửa đổi, bổ sung).

Quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2020 ước đạt 15-18 tỷ USD, tương đương khoảng 4,3-5,2% GDP (đã đánh giá lại).

Kinh tế số Việt Nam gồm 7 lĩnh vực: thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến, dịch vụ truyền thông trực tuyến, dịch vụ du lịch trực tuyến, dịch vụ tài chính số (thanh toán, kiều hối, cho vay, bảo hiểm, đầu tư…), y tế - giáo dục số (Healthtech và Edtech). 

 Theo Google, Temasek và Bain & Company

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

TIN LIÊN QUAN