Phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, đảm bảo năng suất, chất lượng

(CL&CS) - Để phát triển hồ tiêu bền vững, trên địa bàn huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, đã hình thành các vùng chuyên canh về hồ tiêu. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như, sản xuất theo hướng hữu cơ; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý, từng bước đưa sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Canh tác cây hồ tiêu ở nhiều nơi cơ bản vẫn theo lối cũ, song trên thị trường thế giới lại đang yêu cầu sản phẩm sạch. Nghịch lý này khiến việc phát triển cây hồ tiêu theo hướng sạch, bền vững là yêu cầu cấp thiết để nâng cao số lượng lẫn chất lượng của cây trồng này.

Nhiều giải pháp hướng đến hỗ trợ người dân triển khai mô hình phát triển hồ tiêu bền vững. Ảnh: M.P

Hiện, các thị trường nhập khẩu chính hồ tiêu của Việt Nam như, Mỹ, Trung Quốc, UAE, Ấn Độ, Đức, Hà Lan, đặc biệt là EU đang ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Ngay cả Trung Quốc, thị trường nhập khẩu quan trọng của tiêu Việt Nam cũng đã có những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng thực phẩm. Bởi vậy, sản xuất bền vững ngành hồ tiêu là một nhiệm vụ tất yếu quan trọng.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH một thành viên An Thắng Gia Lai (xã Ia Blang): Từ năm 2019, Công ty đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cùng với việc bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá thu mua cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg, Công ty còn hướng dẫn quy trình sản xuất hồ tiêu bền vững, cung cấp tiêu giống chất lượng và phân bón hữu cơ cho bà con nông dân. Trung bình mỗi năm, Công ty ký hợp đồng cung ứng cho Công ty cổ phần Sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Hà Nội (Quận 4, TP. Hồ Chí Minh) hơn 100 tấn tiêu sọ (tiêu trắng) để xuất khẩu.

Bên cạnh việc thu mua, chế biến sản phẩm hồ tiêu, ông Thắng còn chuyển 6,7 ha hồ tiêu của gia đình sang canh tác theo hướng hữu cơ. Tháng 12-2023, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ đối với diện tích hồ tiêu này. Hiện nay, Công ty đang xây dựng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh đối với sản phẩm tiêu đen hạt và tiêu trắng An Thắng.

“Thời gian tới, Công ty tiếp tục tăng cường quảng bá thương hiệu trên website của doanh nghiệp, tham gia các hội chợ triển lãm để các đối tác trong và ngoài nước biết đến. Mặt khác, Công ty cũng hướng đến việc liên kết tiêu thụ sản phẩm với các đối tác nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu đã được chứng nhận hữu cơ”-ông Thắng thông tin.

Ông Nguyễn Văn Hợp -Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Toàn huyện còn khoảng hơn 1.120 ha hồ tiêu với sản lượng bình quân trên 4.000 tấn/năm. Phòng đang tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, người dân cũng được hỗ trợ nguồn giống tốt, nâng cao ý thức về thương hiệu hồ tiêu Chư Sê, từ đó có thêm động lực tham gia mô hình phát triển hồ tiêu bền vững.

Ngoài ra, huyện còn tập trung xây dựng, hoàn thiện các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp tác xã trong sản xuất, chế biến hồ tiêu, đồng thời tiến hành dán tem, nhãn chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hàng hóa để nâng cao giá trị.

Để giữ vững thương hiệu và phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu Chư Sê theo hướng bền vững, ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, khẳng định: Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình trồng hồ tiêu bền vững, theo hướng hữu cơ tại xã Bar Măih để nhân rộng ra toàn huyện.

Đồng thời, xây dựng mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ tại xã Ia Hlốp, trong đó, ưu tiên thu hoạch tiêu xanh để làm sản phẩm bán cho người tiêu dùng; áp dụng mô hình trồng mới hồ tiêu trên trụ cây sống nhằm tạo ra một hệ sinh thái thích hợp cho cây sinh trưởng, phát triển bền vững, tránh những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.

TIN LIÊN QUAN