Từ “siêu cổ phiếu” đến “rẻ như bèo”
Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (mã: PVX) là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp Xây lắp Dầu khí, được thành lập vào năm 1983. Công ty hoạt động trong 4 lĩnh vực bao gồm xây lắp chuyên ngành dầu khí, xây dựng công nghiệp, xây dựng dân dụng và sản xuất công nghiệp, trong đó, doanh thu chủ yếu được mang về từ mảng xây lắp.
PVC từng là đơn vị làm ăn hiệu quả của PetroVietnam, liên tục có lãi với những dự án thi công thuộc hàng khủng. Trong giai đoạn 2005-2009, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của PVC đạt 152%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đạt 277%/năm, thuộc nhóm doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành xây lắp Việt Nam lúc bấy giờ.
Chính vì thế vào tháng 8/2009, PVC lên sàn với mã chứng khoán là PVX, và ngay sau đó trở thành một trong những cổ phiếu “ngôi sao” được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Giá đóng cửa phiên đầu tiên của PVX đạt tới 27.000 đồng một cổ phiếu, khối lượng giao dịch trên 5,1 triệu đơn vị. Có thời điểm mã này tăng giá lên trên 30.000 đồng vào năm 2010 và nằm trong nhóm những cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trên sàn HNX.
Tuy nhiên, PVX giờ đây dường như chỉ là “cái bóng” của ánh hào quang quá khứ. Kết quả kinh doanh bết bát khiến từ năm 2011, PVX liên tục trong xu hướng giảm giá và thậm chí còn xuống dưới mệnh giá. Đến năm 2012, cổ phiếu PVX nhanh chóng lọt vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch quỹ (margin). Nguyên nhân được xác định, công ty đã lỗ 3 năm liên tiếp. Theo Luật Chứng khoán năm 2007, đơn vị kinh doanh lỗ 3 năm liên tiếp và tổng số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu sẽ phải rời sàn. Thế nhưng không hiểu lý do vì sao, PVX lại “thoát hiểm”.
Vào những ngày đầu tháng 7 vừa qua, thông tin ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm về các khoản lỗ tại PVC, giá cổ phiếu PVX lại một lần nữa được “chú ý”. Hiện cổ phiếu PVX giờ đang có mức giá 2.200 đồng. Nhưng không chỉ công ty mẹ, các cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc “dòng họ” PVX cũng có số phận tương tự.
Đầu tháng 6/2016, PVX đăng ký bán hết cổ phần nắm giữ tại 4 công ty liên kết thông qua thị trường chứng khoán, bao gồm: CTCP Trang trí nội thất Dầu khí (PID), CTCP Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA), CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG) và CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM). Cả 4 cái tên này đều từng xuất hiện trong danh sách thoái vốn mà PVX công bố đầu năm 2014 nhưng chưa thực hiện thành công. Điểm khác biệt là hiện tại, cổ phiếu của 4 doanh nghiệp này đã “rơi” xuống thị trường UPCoM.
Với thanh khoản cổ phiếu èo uột, trong khi hoạt động kinh doanh của bản thân doanh nghiệp không mấy sáng sủa. Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu CTCK Bảo Việt, rất ít khả năng PVC thoái vốn thành công và hoạt động này có thể chỉ mang tính hình thức. Và với “tai tiếng” như thời gian vừa qua thì PVX khó tạo được “sóng”.
Ông Trịnh Xuân Thanh gây ra khoản lỗ 3.200 tỷ đồng PVC, khiến cổ phiếu của PVX rớt giá thê thảm. |
Lao dốc không phanh
Quá trình đi lên rồi tuột dốc của PVC gắn liền với quãng thời gian ông Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) (tháng 2/2009-5/2013). Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Trịnh Xuân Thanh có nhiều khuyết điểm, vi phạm và người chịu trách nhiệm chính trong khoản lỗ của 3.200 tỷ đồng tại PVC. Thời kỳ PVC dưới sự lãnh đạo của ông Thanh, đơn vị này đã dành tới 86% vốn điều lệ rót vào các hạng mục đầu tư ngoài ngành, công ty con, công ty liên kết và “mắc cạn” trong nợ nần.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của PVC, do không có nguồn việc mới nên sản lượng, doanh thu của Tổng Công ty năm 2012 giảm nghiêm trọng. Việc “đặt cược” vào các công ty con, công ty liên kết cũng gây thất vọng, thậm chí khiến PVC có thêm gánh nặng khi các đơn vị này thua lỗ kéo dài.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến PVC thua lỗ thể hiện trên báo cáo tài chính chủ yếu là do PVC phải trích lập dự phòng đối với một loạt khoản mục như dự phòng đầu tư tài chính, dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng các khoản vay bảo lãnh. Có đến 2.800 tỷ, chiếm 85% tổng mức lỗ của công ty mẹ PVC trong 2 năm 2012-2013 là các khoản trích lập phòng chủ yếu liên quan đến các công ty thành viên.
Còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến thua lỗ là do năng lực quản trị và kinh doanh yếu kém tại PVC và các công ty thành viên, cùng với đó là hàng loạt bê bối, kiện tụng đã xảy ra.
Trong lúc tình hình kinh doanh của PVC đang lao dốc không phanh thì vào tháng 1 và tháng 5/2013, bốn trên năm thành viên Hội đồng quản trị, bao gồm cả ông Thanh và Tổng Giám đốc Vũ Đức Thuận lại được cho rút khỏi PVC để nhận công tác khác. Ông Thanh sau đó đã chuyển qua Bộ Công thương rồi UBND tỉnh Hậu Giang. Sau khi ông Thanh rời khỏi PVC, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục lỗ gần 600 tỷ trong nửa cuối năm 2013 trước khi có lãi trở lại từ năm 2014.
Tương lai nào cho PVX
Trong ĐHCĐ thường niên 2016 của PVC, ông Bùi Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐQT của công ty cho biết, hiện khối lượng công việc liên quan đến tái cơ cấu, thoái vốn, thu hồi công nợ còn rất nhiều. Nếu làm được, hiệu quả sản xuất PVC sẽ tốt, còn nếu không, chắc chắn sản xuất kinh doanh sẽ không gánh được các chi phí bao gồm trích lập dự phòng, đầu tư tài chính…
Hiện tại, PVC còn 3.200 tỷ đồng đóng băng tại các khoản đầu tư tài chính, không tạo ra lợi nhuận, chưa kể còn nhiều khoản phải trích lập dự phòng do giá cổ phiếu giảm, công nợ không thu hồi được. PVC có 34 đầu mối, chỉ 5-6 đầu mối có lãi và trong đó chỉ có 2 đơn vị có cổ tức.
Theo đánh giá của vị Chủ tịch HĐQT Bùi Ngọc Thắng, khó khăn mà PVC đang đối mặt là khó khăn kép, bằng sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được. Bên cạnh đó, công ty hiện chưa có thêm nhiều dự án, điều này sẽ khiến doanh thu năm 2017 và các năm về sau bị ảnh hưởng.
Mặc dù ban lãnh đạo PVC đưa ra lời hứa “sẽ có giải pháp”, tuy nhiên, lại không đưa ra được những bước đi cụ thể. Điều này khiến hy vọng của cổ đông về cổ phiếu PVX thời năm 2009, 2010 trở nên mơ hồ.
Mai Trinh