Trong 20 năm qua, các tác giả có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc LHHVN lần thứ VII. Ông Lê Đăng Thọ - Giám đốc Qũy Vifotec đã có cuộc trao đổi với vusta.vn chung quanh giải thưởng này.
Ông Lê Đăng Thọ - Giám đốc Quỹ Vifotec |
Phóng viên (P.V): Xin ông cho biết cụ thể các lĩnh vực tham gia và tầm vóc của các công trình khoa học mà Qũy Vifotec đã tiến hành xét và trao giải trong suốt 20 năm qua?
Ông Lê Đăng Thọ (L.Đ.T):
Giải thưởng Vifotec được tổ chức hàng năm, tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của nhà nước: Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí và tự động hóa; Công nghệ vật liệu; Công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới…
Các công trình tham gia giải thưởng là kết quả nghiên cứu, ứng dụng thuộc các chương trình, đề tài khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, các đề tài nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ trong sản xuất của các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp.
Ông L.Đ.T: Trong 20 đã có 2157 công trình tham gia giải thưởng và đã có 692 công trình đoạt giải. Các công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Giải thưởng cũng đã tập hợp được một lực lượng đông đảo các nhà khoa học, các nhà công nghệ trong cả nước từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp tích cực tham gia và là sân chơi bổ ích, động viên, khuyến khích, tôn vinh các nhà sáng tạo trong cả nước, thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của khoa học công nghệ nước nhà.
P.V: Song song với giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Qũy Vifotec còn Tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc?
Ông L. Đ.T: Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Bộ Khoa học và Công nghệ (trước đây là Uỷ ban Khoa học Nhà nước), LHHVN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tổ chức lần đầu tiên từ năm 1990. Kể từ năm 2004, Qũy Vifotec đã được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và có những đề xuất và thực hiện những biện pháp để đẩy mạnh công tác tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật trên phạm vi toàn quốc. Đến nay Hội thi đã được tổ chức 12 lần (1990 - 2013). Hội thi đã được tổ chức ở hầu hết các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành và đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi nhằm tạo ra và áp dụng các giải pháp kỹ thuật có giá trị vào thực tế, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Hội thi được chia làm 2 cấp: Cấp các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố và cấp trung ương
Ông Nguyễn Thiện Nhân – UVBCT, Chủ tịch UBTWMTTQVN phát biểu tại lễ trao giải Tại Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 |
P.V: Nhiều người cho rằng: So sánh với giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam thì Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc không mang lại giá trị sáng tạo cao trong khoa học?
Ông L.Đ.T: Nói như thế không hẳn đã chính xác, bởi mỗi cuộc thi hay giải thưởng đều có tiêu chí riêng. Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc được tổ chức 2 năm/ 1 lần, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y dược; Giáo dục và đào tạo.
Những năm đầu tiên chỉ có 25 tỉnh, thành phố tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật thì đến nay đã có gần 50 tỉnh, thành phố tổ chức Hội thi và có 2635 giải pháp tham dự Hội thi toàn quốc, trong đó có gần 350 giải pháp đoạt giải. Có 38 tỉnh, thành phố thường trực Hội thi là Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh và 12 tỉnh, thành phố thường trực Hội thi là Sở Khoa học và Công nghệ. Có 47 tỉnh, thành phố tổ chức Hội thi 2 năm/1 lần và có 3 tỉnh, thành phố tổ chức Hội thi hàng năm như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Vĩnh Long.
Lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm, chỉ đạo và tạo mọi điều đến hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, đến hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ cũng như các phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. - Công tác tổ chức Giải thưởng, Hội thi ngày càng có uy tín, được đông đảo các nhà khoa học, quần chúng nhân dân tham gia và được xã hội đánh giá cao. Đây thực sự là sân chơi công bằng, minh bạch, động viên và tôn vinh kịp thời đối với các nhà khoa học, công gnhệ và các nhà sáng tạo trong cả nước.
Hàng năm có đến hàng nghìn giải pháp tham gia dự thi ở các địa phương.Từ đó chọn ra các giải pháp tham dự Hội thi toàn quốc.Đối tượng dự thi cũng ngày càng phong phú hơn, từ các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật đến các thành phần nông dân, công nhân cũng có giải pháp dự thi và đạt được giải cao.Chất lượng các công trình tham gia dự thi ngày càng cao. Các công trình, giải pháp dự thi đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho đất nước.
Số lượng các địa phương có Ban Tổ chức Hội thi cũng tăng lên, từ 25 tỉnh, thành phố, nay đã lên đến gần 50 tỉnh, thành phố. Có những tỉnh đã có ban Tổ chức Hội thi cấp huyện. Công tác tổ chức Hội thi ở các địa phương đã đi vào nề nếp. Cơ quan thường trực Hội thi cũng hoạt động thường xuyên và ngày càng có kinh nghiệm.
Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan và Chủ tịch UBTWMT TQQVN Nguyễn Thiện Nhân Trao giải Tại Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 |
P.V: Qua 20 lần tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và 12 lần tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, với vai trò là người trực tiếp điều hành Qũy Vifotec, theo ông Qũy Vifotec cần phải đổi mới như thế nào về chất lượng của giải thưởng để theo kịp sự phát triển của Khoa học công nghệ hiện nay?
Ông L. Đ. T: Trong công tác tổ chức Giải thưởng, Hội thi, cần tiếp tục đổi mới một số nội dung sau:
- Thứ nhất, Cần Đẩy mạnh công tác tuyên truyền: Ban Tổ chức phải thường xuyên đến các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị vận động hướng dẫn làm hồ sơ tham gia Giải thưởng, Hội thi. Đề nghị các cơ quan tổ chức hướng dẫn các đơn vị thành viên đánh giá, lựa chọn các công trình tiêu biểu. Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố có công văn cho ngành dọc, công văn cho các Viện, Trường, Doanh nghiệp… để chỉ đạo và đôn đốc tham gia dự thi. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ đến các cơ sở, hội nghị phát động, in tờ rơi, đồng thời phối hợp với các báo, đài, tạp chí chuyên ngành để tuyên truyền về Giải thưởng, hội thi. Có hình thức tuyên truyền cho các công trình đoạt giải vừa để vinh danh, vừa để quảng cáo cho đơn vị, doanh nghiệp để kích thích mọi người tham gia.
- Thứ hai, về hồ sơ tham gia Giải thưởng, Hội thi: Trong thực tế nhiều công trình nghiên cứu đã thành công, đã được áp dụng có kết quả nhưng tác giả không muốn tham gia vì ngại mất thời gian làm hồ sơ sợ lộ bí mật công nghệ nên các cơ quan tổ chức cần phải nhiệt tình, kiên trì, thuyết phục, động viên và giúp đỡ cụ thể trong việc hoàn thiện hồ sơ.
- Thứ ba, về công tác chấm, trao giải thưởng: Trên cơ sở các Qui định về việc chấm điểm các công trình, giải pháp tham dự Giải thưởng, Hội thi, Ban Tổ chức cần tạo điều kiện cho các thành viên Ban Giám khảo đi kiểm tra thực tế các công trình tham gia để nắm sát thực tế giúp cho việc đánh giá được chính xác và thống nhất trong cả Hội đồng, trên cơ sở đó Ban Tổ chức ra quyết định khen thưởng.
- Thứ tư, tăng mức tiền thưởng: Để tiếp tục động viên, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sông, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính xem xét tăng mức tiền thưởng cho các công trình, giải pháp đoạt giải lên ít nhất 1,5 lần so với hiện nay.
Ts. Trần Việt Hùng Phó Chủ tịch LHHVN trao giải Tại Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 |
P.V: Thế còn chính sách của Nhà nước đối với những công trình, giải pháp đã đoạt giải của Quỹ?
Ông L.Đ.T: Nhà nước cần phải có chính sách hữu hiệu, kịp thời bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sáng tạo. phải hình thành hệ thống các dịch vụ khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ làm cầu nối giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm khoa học vào cuộc sống. có chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước tạo ra, thay thế cho sản phẩm nhập ngoại, giá thành lại rẻ hơn, thời gian nhanh hơn và chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại.
Có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ để các nhà khoa học công nghệ được làm giàu bằng chính sản phẩm của mình.
Đồng thời, Nhà nước nên tạo điều kiện cho vay vốn từ Quỹ phát triển KHCN để áp dụng rộng rãi các công trình nghiên cứu đã thành công, đặc biệt nhiều công trình đoạt giải thưởng, có hiệu quả kinh tế cao, lại do các doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Lê Duy – thực hiện