Ông chủ Kinh Đô ôm đống tiền, bỏ lại thương hiệu Việt

(NTD) - Ông chủ Kinh Đô ôm đống tiền, bỏ lại thương hiệu Việt vốn là “nồi cơm” của mình khi bán 80% cổ phần cho đối tác nước ngoài, Mondelez International, cũng là đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Thương hiệu Kinh Đô vẫn có mặt trên thị trường nhưng sẽ không còn “Thấy Kinh Đô là thấy Tết” khi bánh kẹo của Kinh Đô rơi vào tay nhà đầu tư ngoại.

Nuôi lớn rồi bán

CTCP Kinh Đô (Kinh Đô) được người tiêu dùng biết đến thông qua các sản phẩm như: bánh trung thu; bánh biscuit AFC và Cosy; bánh Craker gạo Sachi, bánh bông lan Solite; kem Merino; sữa chua Wel Yo; sữa bột Wel Grow… Từ đầu năm 2015, Kinh Đô bỏ mảng bánh kẹo truyền thống của mình và định vị lại với người tiêu dùng các sản phẩm mới là mì gói, dầu ăn, cà phê. Để thực hiện chiến lược này, Kinh Đô đã thông qua phương án tái cấu trúc. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Kinh Đô cho biết, công ty cần tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng bánh kẹo theo hướng quản lý tách bạch với các mảng khác, bánh kẹo được tập trung vào một công ty con là CTCP Kinh Đô Bình Dương (BKD) với tỷ lệ sở hữu 99,8%.

Trụ sở của CTCP Kinh Đô

Để chính thức rút lui khỏi mảng bánh kẹo, Kinh Đô đã quyết định bán 80% cổ phần BKD cho Mondelez International, một tập đoàn thức ăn nhẹ (snacking) lớn nhất thế giới với doanh thu 35 tỷ USD trong năm 2013. Số cổ phần 20% còn lại có thể được bán cho Mondelez International trong vòng 12 tháng sau thương vụ đầu tiên.

Chuyên gia kinh tế Hồ Bá Tình cho rằng: “Kinh Đô đã bán “nồi cơm” của mình cho đối thủ cạnh tranh bằng việc bán 80% cổ phần tại BKD để thu về 7.846 tỷ đồng (370 triệu USD). Đây là một giá hời cho một thương hiệu gầy dựng hơn 20 năm”.

Còn lãnh đạo cấp cao của Mondelez International cho biết tập đoàn sẽ không thay thế các sản phẩm của Kinh Đô mà thực hiện theo chiến lược hai bên cùng phát triển công ty, tạo thêm giá trị và lựa chọn cho người tiêu dùng Việt Nam.

Đồng thời với kế hoạch bán mảng bánh kẹo, Kinh Đô tham gia mảng dầu ăn bằng quyết định đầu tư hơn 856 tỷ đồng vào Tổng CTCP Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex) để giành quyền kiểm soát tại đây với tỷ lệ sở hữu 51%.

Năm 2005, Kinh Đô tham vọng đưa Tribeco lên “tầm cao mới" sau khi sở hữu 35,4% vốn cổ phần tại CTCP Nước Giải khát Sài Gòn (Tribeco). Sau 7 năm gắn bó với sản phẩm có 11 năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao này, Kinh Đô đã “buông” Tribeco để thương hiệu Việt này rơi vào tay doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), Uni-President cộng với việc bán đi mảng bánh kẹo thì việc “nuôi cho lớn” rồi bán cho nước ngoài của Kinh Đô không lấy gì bảo đảm trong tương lai Vocarimex vẫn là thương hiệu của người Việt.

Sản phẩm của Mondelez có mặt tại thị trường Việt Nam

Thị trường bánh kẹo: Cuộc chiến chưa dừng

Lý giải về hành động này rút lui khỏi mảng bánh kẹo vốn là “nồi cơm” của mình, ông Trần Kim Thành cho biết, mặc dù đang dẫn đầu thị trường trong nước ở ngành hàng bánh kẹo, nhưng Kinh Đô nhận thấy ngành hàng này hiện không còn nhiều cơ hội phát triển như những năm đầu mới thành lập công ty.

Điều này cho thấy thị trường bánh kẹo của Việt Nam không còn là thị trường béo bở khi “ông vua” trong ngành như Kinh Đô cũng không còn mặn mà. Tuy nhiên, việc ra đi của Kinh Đô cho thấy sự cạnh tranh đang diễn ra mạnh mẽ tại ngành bánh kẹo trong thời gian tới.

Ngay cả đối tác là Mondelez International cũng đã có nhiều sản phẩm trên kệ hàng trong các siêu thị Việt trước khi mua mảng bánh kẹo của Kinh Đô như bánh quy giòn Ritz, bánh quy Oreo... được nhiều người tiêu dùng biết đến. Việc “thôn tính” mảng bánh kẹo của Kinh Đô chính là bước tiến để tập đoàn “thâu tóm” toàn bộ thị trường bánh kẹo Việt Nam.

Sản phẩm của Kinh Đô của bày bán tại siêu thị Lotte Mart

Trong khi Kinh Đô “bỏ cuộc” thì nhiều nhà đầu tư nội ra sức bảo vệ Bibica. “Cuộc chiến” sở hữu giành quyền kiểm soát tại CTCP Bibica diễn ra căng thẳng từ năm 2013 đến nay giữa nhà đầu tư nội là nhóm cổ đông liên quan tới liên minh CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và CTCP Thực phẩm Pan (Pan Food) với cổ đông ngoại là Lotte Confectionery Co. Ltd. Tháng 3 vừa qua, Pan Food chào mua công khai thêm 29,87% cổ phiếu tại Bibica để nâng tỷ lệ sở hữu 51%. Nếu thương vụ này thành công, Pan Food sẽ vượt qua “cá mập” Hàn Quốc là Lotte đang sở hữu 44,03%, trở thành cổ đông lớn nhất và là công ty mẹ của Bibica. Với quyết tâm tăng tỷ lệ sở hữu tại Bibica, ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT của SSI và Pan Food) cho thấy quyết tâm “không bao giờ ủng hộ phương án biến Bibica trở thành Lotte Việt Nam”. Xuất thân từ giới tài chính, chuyên mua bán sáp nhập nhưng hành động giữ gìn thương hiệu Việt cho người Việt của ông Nguyễn Duy Hưng được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ rất cao, đặc biệt trong thị trường bánh kẹo tràn ngập sản phẩm ngoại.

Thu hàng ngàn tỷ, ban điều hành vẫn bán cổ phiếu

Thông tin Kinh Đô thu về 7.847 tỷ đồng từ thương vụ với Mondelez International đã làm cổ phiếu KDC giảm 13,7% từ đó đến nay. Thời gian gần đây, những người điều hành của Kinh Đô gồm 5 Phó Tổng Giám đốc (Nguyễn Xuân Luân, Mai Xuân Trầm, Trần Tiến Hoàng, Bùi Thanh Tùng và Trần Quốc Việt) và thành viên HĐQT Trần Quốc Nguyên đăng ký bán hoặc đã bán gần hết số cổ phiếu mình đang nắm giữ. Vì sao lãnh đạo Kinh Đô lại bán cổ phiếu KDC khi công ty thu về khoản tiền gấp 2,56 lần khoản lợi nhuận 10 năm từ năm 2005-2014 (3.070 tỷ đồng). Phải chăng, họ “thất vọng” khi Kinh Đô bán đi sản phẩm đã làm nên tên tuổi của doanh nghiệp này?

Sau khi thu thu về 7.847 tỷ đồng, Kinh Đô quyết định trả cổ tức đặc biệt cho cổ đông với tỷ lệ 200% nhưng không “cứu” được đà giảm giá của KDC. Nói là trả cổ tức cho cổ đông nhưng người hưởng lợi nhiều nhất là gia đình Chủ tịch HĐQT Trần Kim Thành khi giữ 27,36% vốn điều lệ của Kinh Đô với khoản cổ tức nhận được tới hơn 1.390 tỷ đồng.

Ánh Hoa

Nên đọc