Nút thắt cổ chai trong phân phối thuốc

(NTD) - “Khâu phân phối dược phẩm từ các nhà thuốc tây tới tay người tiêu dùng tại Việt Nam nếu thật sự muốn mình vẫn có thể kiểm soát được”. Đó là nhận định của ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược Robenny khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Robert Trần có cuộc trao đổi với Báo Người Tiêu Dùng về những thông tin liên quan.

 

* Thực tế cho thấy dược phẩm là sản phẩm mang tính bất đối xứng về thông tin tại Việt Nam giữa bác sĩ và bệnh nhân, chính xác hơn bệnh nhân thường không có quyền thương lượng. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ở đâu cũng vậy, ngay cả bên Mỹ và Canada thì bệnh nhân vẫn phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng ở Việt Nam, nhiều khi bệnh nhân cầm toa ra nhà thuốc tây mua. Người bán thuốc có thể đổi toa bằng cách đưa những loại thuốc có hoạt chất tương tự với rất nhiều lý do như giá rẻ hơn, nhà thuốc “thích” bán sản phẩm nào, công ty dược đang có chương trình khuyến mãi gì…Ngược lại, chính bệnh nhân ở Việt Nam cũng có thể yêu cầu nhà thuốc tây đổi thuốc cho họ vì họ không đủ tiền hoặc chỉ muốn một liều dùng thử, nếu bớt thì sẽ mua tiếp.

* Ở các nước phát triển, liệu bệnh nhân có quyền “thương lượng” với bác sĩ khi được kê toa hay không?

- Bệnh nhân không thể thương lượng về mặt chuyên môn, nhưng họ có quyền thắc mắc tất cả những gì liên quan đến thuốc và phác đồ điều trị đối với bệnh của họ. Trong khi đó, ở nước ngoài, bác sĩ và bệnh nhân giống như 2 đối tác cùng nhau vượt qua những khó khăn của bệnh tật. Dược sĩ khi nhận được toa thuốc, sẽ không được phép thay đổi gì. Nếu tự ý thay đổi và có chuyện gì xảy ra sẽ phải chịu trách nhiệm. Trường hợp nếu muốn thay đổi, dược sĩ sẽ phải hỏi ý kiến bác sĩ.

* Vậy việc phân phối dược phẩm ở các nước phát triển có gì khác biệt so với Việt Nam?

- Khác nhiều chứ vì ở các nước phát triển, họ có thể tự sản xuất dược phẩm nên các hãng sản xuất thuốc mặc nhiên được xem là doanh nghiệp trong nước và có quyền phân phối thuốc. Quy trình của họ khá rõ ràng và minh bạch là từ nhà sản xuất tới hệ thống bán lẻ và đi thẳng đến tay người tiêu dùng sau cùng.

* Nhằm giảm thiểu vấn đề ma trận phân phối dược phẩm, các cơ quan quản lý Nhà nước nên có những chính sách phù hợp gì để dần minh bạch hóa và hoàn thiện theo hướng tích cực vấn đề phân phối dược phẩm trong thời gian tới?

- Hiện tại ở Việt Nam vẫn có thể kiểm soát việc nhập khẩu thuốc theo đường chính ngạch, nghĩa là từ lúc nhập khẩu đến các nhà phân phối sỉ, lẻ và sau cùng là các nhà thuốc tây. Nhưng từ khâu nhà thuốc tây tới tay người tiêu dùng là vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn được. Trong khi đó, ở Thái Lan, việc này đã kiểm soát được hết. Một nhà sản xuất nước ngoài muốn biết sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng như thế nào đều có thể lấy dữ liệu từ hệ thống quản lý dược phẩm của Chính phủ và các công ty nghiên cứu như IMS là đơn vị chuyên thống kê và theo dõi các thông tin chiến lược cho ngành dược trên thế giới.

* Vậy liệu khâu phân phối từ các nhà thuốc tây tới tay người tiêu dùng tại Việt Nam có thể kiểm soát được không thưa ông?

- Thật ra, việc kiểm soát này ở Việt Nam nếu thật sự muốn mình vẫn có thể kiểm soát được, nhưng văn hóa tiêu dùng của người Việt sẽ làm trở ngại với những lý do sau:

Một số bệnh nhân vẫn chưa ý thức được việc sử dụng thuốc đúng liều và đúng thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ. Họ có thể bỏ ngang nếu thấy không hiệu quả. Một số bệnh nhân nghèo không đủ tiền mua thuốc theo toa bác sĩ và yêu cầu nhà thuốc đổi toa. Ngoài ra, bệnh nhân mua thuốc không theo hộp mà chỉ mua theo viên, theo ngày, theo liều cắt. Vì vậy, không có hệ thống nào có thể kiểm tra được mã vạch của từng viên thuốc.

* Xin cảm ơn ông!

 Bảo Vinh

Nên đọc