NTD cần đầy đủ thông tin để lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ

Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ là sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ và thức ăn bổ sung dùng cho trẻ đến 24 tháng tuổi được sản xuất theo phương thức công nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với từng giai đoạn phát triển hay tình trạng sinh lý đặc biệt của trẻ nhỏ. Một câu hỏi được đặt ra:Sản phẩm dinh dưỡng công thức có sữa nói chung có thể coi là sản phẩm thay thế sữa mẹ? Hoặc khi nào thì nó được coi là sản phẩm thay thế sữa mẹ? Theo QCVN 11-1:2012/BYT, QCVN 11-2:2012/BYT, QCVN 11-3:2012/BYT thì “Sản phẩm dinh dưỡng công thức có sữa” có thể được coi là sản phẩm thay thế sữa mẹ nếu đáp ứng các yêu cầu nêu trong từng quy chuẩn. Và như vậy: “Sản phẩm dinh dưỡng công thức” không luôn luôn được coi là sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Người tiêu dùng có quyền được lựa chọn:

Xét góc độ người tiêu dùng: điều quan trọng là mua được loại sữa và sản phẩm dinh dưỡng có sữa đáp ứng tốt nhất nhu cầu của mình: phù hợp về chủng loại, chất lượng, với giá cả hợp lý.

Báo cáo “Tình hình cạnh tranh trên thị trường sữa công thức dành cho trẻ em từ 0-12 tháng tuổi tại Việt Nam qua các năm 2009-2011” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương CIEM và Tổ chức Thống nhất, Tín thác và Bảo vệ Người tiêu dùng CUTS tiến hành là một báo cáo công phu và khá toàn diện về thị trường sữa dành cho trẻ em từ 0-12 tháng tuổi tại Việt Nam. Báo cáo đưa ra phân tích sâu về thị trường và khẳng định cho chúng ta thấy: tại Việt Nam đã có thị trường sữa cạnh tranh. Đối với người tiêu dùng, “thị trường cạnh tranh” lành mạnh là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền lựa chọn của mình. Trong thị trường cạnh tranh: nhiều nhà cung cấp, nhiều chủng loại sữa với nhiều mức chất lượng khác nhau và giá cả cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, những thông tin có được trên thị trường để giúp NTD có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất đều rất thiếu, và nếu có thì cũng không cập nhật, không được kiểm chứng, không chỉ dẫn và không liền mạch từ những nhà cung cấp, cơ quan quản lý đến người mua – những người tiêu dùng.

Để giành sự ưu ái của NTD, nhà cung cấp đưa ra các sản phẩm sữa có các đặc trưng khác nhau. Bà mẹ nào cũng mong có được loại có chất lượng tối ưu cho con mình dùng, nhưng bà mẹ nghèo thì sẽ chọn sản phẩm có giá thành thấp hơn, trong khi bà mẹ có thu nhập cao sẽ chọn sản phẩm có chất lượng cao hay sản phẩm nhập khẩu, v.v. Tuy nhiên, cả hai bà mẹ đều đi mua sữa với ngầm định là sản phẩm họ mua (dù giá cả khác nhau, chất lượng khác nhau) nhưng đều đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cơ bản nhất phục vụ nhu cầu phát triển của bé.

Nhưng thực tế, chất lượng sản phẩm sữa hiện nay chỉ được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và được quản lý theo phương thức hậu kiểm. Có nghĩa là chỉ khi nào “có vấn đề” thì sản phẩm mới được kiểm tra, xử lý. Các vụ xì-căng-đan liên quan chất lượng sản phẩm sữa, ví dụ vụ dùng nguyên liệu sữa nhiễm me-la-min của TQ, cũng như các thông tin không được kiểm chứng, ví dụ như sữa có sinh vật lạ, đã gây ra cho NTD không ít hoang mang. Những thông tin về chất lượng sản phẩm sữa, đặc biệt là các thông tin so sánh được kiểm chứng và chỉ dẫn cho NTD về chất lượng các loại sữa thì hầu như không có. Nhiều NTD mua theo sự mách bảo của người quen, của cửa hàng bán, của người tiếp thị, hoặc đôi khi, dù thu nhập và khả năng chi trả không cho phép, vẫn cố gắng mua sản phẩm sữa giá thành cao, hoặc hàng nhập khẩu cho con, hy vọng rằng những loại đó sẽ có chất lượng cao hơn, do được các cơ quan kiểm định nước ngoài kiểm chứng. Một vấn đề mà họ không hay biết, hoặc cũng không có khả năng khẳng định chắc chắn, là đôi khi giá cả cũng chưa chắc phù hợp với chất lượng. Một ví dụ tiêu biểu nhất là trường hợp các mặt hàng “sữa” xách tay đắt đỏ đang có mặt tại thị trường Việt Nam.

Thông tin về sữa và các các sản phẩm dinh dưỡng có sữa không đầy đủ, thiếu và không cập nhật không liền mạch từ người bán đến người mua như vậy có thể là do việc hạn chế quảng cáo, tiếp thị sản phẩm dưới mọi hình thức. Thông tin về chất lượng thì chỉ dừng lại ở nhà quản lý. Ngược lại NTD lại được tiếp cận những thông tin không chuẩn xác từ các nguồn khác nhau, nhất là sự tiếp thị, quảng cáo sai, hoặc lừa dối của các công ty làm ăn chụp giật.

Các sản phẩm sữa phân thành ba nhóm giá: “nhóm sản phẩm giá cao cấp, nhóm giá trung bình và nhóm giá bình dân. Trong đó, có sự phân hóa rất rõ ràng về giá giữa các sản phẩm ngoại nhập và các sản phẩm sản xuất trong nước”. Sự phân nhóm này kèm theo hàm ý giá phù hợp với chất lượng chủng loại sản phẩm sữa. Trên thực tế các thông tin về chủng loại và chất lương sản phẩm sữa rất mù mờ đối với NTD. Nó có đúng chất lượng và phù hợp với giá bán hay không, không có một thông tin được kiểm chứng nào và chưa có có chỉ dẫn nào đầy đủ, cập nhât đến được với NTD. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam đã không phải một lần khảo sát liên quan đến chất lượng sữa và sản phẩm dinh dưỡng có sữa và có những thông tin trái chiều. Hội rất mong muốn có nguồn lực để thực hiện hiệu quả và toàn diện việc khảo sát sữa và các sản phẩm dinh dưỡng có sữa dành cho trẻ nhỏ nhằm có các thông tin chính xác cung cấp và chỉ dẫn cho NTD.

Mặt khác cho đến nay, hàng năm Hội nhận được hàng ngàn khiếu nại, trong đó không ít các khiếu nại liên quan đến sữa và sản phẩm sữa. Nhưng tất cả các khiếu nại đều chỉ liên quan đến chất lượng, chứ chưa khi nào có khiếu nại về giá cả. Điều này cho thấy: có thể giá không phải là vấn đề quan tâm nhất của NTD. Vấn đề là giá phải phù hợp với chất lượng. Việc thay đổi giá hợp lý, phù hợp với quy luật, minh bạch với người tiêu dùng là sự công bằng trong kinh doanh, tạo cơ sở cho sự phát triển của doanh nghiệp, cũng như đảm bảo thực thi quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

Theo nguồn: Dữ liệu toàn cầu về Suy dinh dưỡng của Ngân hàng Thế giới và xếp loại Quốc gia của UNICEF về “Việc thực hiện Quy tắc quốc tế về sản phẩm thay thế sữa mẹ của các quốc gia” thì có bảng xếp hạng như sau:

 

Quốc gia

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, %

 

Xếp hạng của UNICEF:

Giới hạn của các quy định cấm quảng cáo

Singapore

3,3

Cấm một cách hạn chế nhưng thực hiện tự nguyện
Hồng Kông

<5

Cấm một cách hạn chế nhưng thực hiện tự nguyện
Thái Lan

7

Cấm một cách hạn chế nhưng thực hiện tự nguyện
Malaysia

12,9

Có điều khoản cấm nhưng thực hiện tự nguyện
Việt Nam

17,5

Giới hạn cấm – Quy định trong luật
Indonesia

18,6

Giới hạn cấm – Quy định trong luật
Philippin

20,2

Cấm nghiêm ngặt – Quy định trong luật
Cămpuchia

29

Giới hạn cấm – Quy định trong luật
Lào

31,6

Giới hạn cấm – Quy định trong luật

Như vậy kinh nghiệm quốc tế và khu vực cũng cho thấy các nước không có hoặc áp đặt ít hạn chế quảng cáo, hay là nơi Bộ Quy tắc WHO được áp dụng trên tinh thần tự nguyện như Singapore, Malaysia, Hồng Kông và Thái Lan, lại có ít trẻ suy dinh dưỡng hơn các nước có quy định nghiêm ngặt hạn chế việc phát triển của thị trường thực phẩm dinh dưỡng trẻ em (Việt Nam, Indonesia, Lào, Cam-pu-chia). Như vậy NTD có quyền lựa chọn hàng hóa cho mình, cho gia đình và con cái mình. Vấn đề là cần thiết phải có thông tin chính xác, đầy đủ về các chủng loại hàng hóa định mua, về các công ty cung cấp các loại hàng hóa đó.

Vương Ngọc Tuấn
Phó Tổng thư ký VINASTAS