Thủ đô Gaborone - một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.... |
Theo thống kê, chỉ trong thập kỉ qua, lượng xe ô tô ở Bostwana đã tăng gấp đôi và 2/3 trong số đó tập trung ở thủ đô Gaborone – nơi chiếm 10% dân số cả nước. Đây đa phần là xe đã qua sử dụng được nhập khẩu, nhiều chiếc thậm chí còn là sản phẩm lỗi không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở nơi xuất xứ.
Do là một thành phố đang phát triển nên khá dễ hiểu khi tình trạng ô nhiễm không khí tại Gaborone luôn nằm top đầu của thế giới. Và trong các nguồn ô nhiễm thì ô nhiễm không khí do giao thông là trầm trọng nhất.
Trong bối cảnh đó, thường các thành phố khác sẽ khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng, phương tiện xanh, thân thiện với môi trường như: xe điện, xe đạp…Nhưng khá ngược đời, xe đạp lại bị “kì thị” ngay ở chính thành phố ô nhiễm bậc nhất này.
…Nhưng xe đạp lại không được chào đón nơi đây |
Ở Gaborone, đạp xe ra đường chẳng khác nào thách thức các chủ phương tiện xe cơ giới. Nguyên nhân là tại Bostwana, người điều khiển xe cơ giới bị đánh thuế nên họ “nóng máu” cho rằng đường xá là của mình, là của xe ô tô.
Quan trọng hơn cả đó là sự kì thị, phân biệt giàu nghèo của cư dân thủ đô Gaborone với những người đi xe đạp, họ mặc định chỉ có những kẻ “khố rách áo ôm” mới sử dụng loại phương tiện này.
Mpaphi Ndubo, ông chủ của một cửa hàng xe đạp tại Gaborone chia sẻ: “Chính những lái xe hung hăng ấy mới khiến đường phố nguy hiểm hơn cả một con sư tử”.
Được biết, Ndubo đến từ một ngôi làng nhỏ ở phía bắc Bostwana đã quyết định mở một cửa hàng bán xe đạp ở Gaborone với suy nghĩ sẽ chung tay giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí của thành phố. Nhưng sự nhiệt huyết đó đã vấp phải khó khăn ngay từ đầu bởi định kiến của cư dân nơi đây.
Ông Ndubo, người đã có 22 năm đạp xe để thay đổi định kiến của cư dân thủ đô Gaborone |
Vẫn biết để thay đổi định kiến đã ăn sâu vào tâm thức của cả cộng đồng là một điều cực kỳ khó khăn và mất thời gian. Nhưng, Ndubo không bỏ cuộc. Người đàn ông này vẫn đều đặn đạp xe ra phố 22 năm qua mặc cho những lời kì thị của cánh tài xê ô tô.
Ông cũng thành lập tổ chức phi chính phủ mang tên Đại sứ Xe đạp Botswana (Cycling Embassy Botswana) để phân tích cho cư dân thành phố hiểu về lợi ích sức khỏe và môi trường của việc sử dụng xe đạp.
Dù hành trình đi tìm sự thừa nhận cho xe đạp vẫn còn nhiều chông gai phía trước, nhưng những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông đang được đền đáp. BYCS, một tổ chức xã hội khuyến khích xe đạp đô thị ở Amsterdam, Hà Lan đã dành những lời khen ngợi và đang hỗ trợ cho Ndubo trong “cuộc chiến” này!
Xe đạp đang dần được thừa nhận tại Gaborone. Ảnh: BBC |
Tại Gaborone bây giờ, Ndubo không còn đơn độc. Bởi ngoài ông, một “đại sứ xe đạp” khác đã xuất hiện, đó là Jan Sadek, một người Thụy Điển làm việc cho EU tại Bostwana từ năm 2018.
Sadek chia sẻ: “Họ cực kỳ khó chịu khi thấy một người với vai trò là nhà lãnh đạo như tôi, mà lại đi xe đạp trên đường”. Nhưng không để bị đánh gục bởi sự kì thị, Sadek vẫn kiên trì với việc đạp xe đi làm mỗi ngày.
Nhờ những người như Ndubo hay Sadek mà sự kì thị với xe đạp của cư dân thủ đô Gaborone đã dần phai nhạt. Nhiều người đã bắt đầu chọn phương tiện xanh này để làm phương tiện di chuyển chính…
Lý Trường